Chúng ta đã trên 50, gần 60, chứng kiến sự du nhập và biến
đổi ngôn ngữ hàng ngày, có nhiều điều hay và cũng nhiều lẽ dở. Nhưng suy cho
cũng, ngôn ngữ, nói đúng hơn là sinh ngữ, gắn liền với đời sống, nó cũng phải
biến đổi cùng với đời sống. Hãy giở báo chí hồi đầu thế kỷ 20, cho đến trước
1945, thì thấy ngôn ngữ bình dân đã biến đổi như thế nào. Có nhiều từ mất đi,
mà nhiều từ phát sinh. Ví dụ: trước đây, người ta nói “giời” chứ không phải
“trời”, “giăng” chứ không phải “trăng”, “nhời” chứ không phải “lời”... Còn
những trạng từ, thán từ thì biến đổi càng nhiều nữa. Một bài, khi LPT nói về
gia đình, tôi “tát nước theo mưa”, bàn về trước đây gọi vợ, chồng là “nhà”, thì
nay đa số gọi là “ông/bà xã”… vân vân.
Bài này, tôi tạm liệt kê một danh sách những từ mới của thế
hệ trẻ bây giờ nói với nhau, có từ có xuất xứ, có từ không. Các bạn nếu góp ý
thêm thì tốt quá. Chúng ta sống với thế hệ trẻ, họ là tương lai, nhưng đôi khi
không hiểu họ nói gì thì cũng gay go. Mở ngoặc là bài này chỉ mới tính ngôn ngữ
đời sống một cách nghiêm trang, còn loại ngôn ngữ chát, hay tục tĩu thì nói
sau.
- Phê. Ngày xưa, nếu nói về trạng thái này, thì người ta dùng chữ “mê”, hoặc “say”. Nhưng say và mê cũng không phải trạng thái “phê” như ngày nay bọn trẻ dùng. Có lẽ bắt nguồn từ từ “tê lê phê”, rồi rút gọn còn “phê”, chỉ trạng thái mê mẩn, mà lại sướng lắm.
- Chém gió. Từ này tôi cho là tài tình. Ngày xưa dùng chữ “khoác lác”. Nhưng “khoác lác” không lột tả hết cái sự… chém gió. Chém gió là nói vung vít, chả cần hậu quả, mà lại vô thưởng vô phạt. Ngày xưa, thời những năm 80, sau 1975, có một vị lãnh đạo to lắm, học hành cũng thường, nhưng đi đâu cũng nói chuyện to lớn, dùng tay trái chém vào không khí. Mọi người bảo “ông ấy chém gió” thôi, nghe cứ nghe, nhưng làm thì còn phải xem thế nào. Có lẽ sau đó thành từ “chém gió” dùng ngày nay. Trung Quốc, phim Bao Công có bài ca: Rút gươm chém xuống nước, nước càng chảy xiết. Nâng chén tiêu sầu, càng sầu hơn. Còn ở ta, chém gì (tay hay gươm) vào gió thì gió vẫn thế, nâng chén tiêu sầu thì hết sầu, thế mới tài. Chiều đến, bây giờ người ta alo đi trà chanh chém gió, nghe cứ phiêu bồng thi vị lại hoang dã rất thích. Ngôn ngữ có đời sống nó sinh động đến thế.
- Xõa. Nghe các bạn trẻ alo gọi nhau: Mày ơi, xõa đi. Đố biết các ông, bà hiểu gì, nếu các ông/bà sống với thời gian của mình. Nghe con gái rủ bạn đi “xõa” thì có bậc cha mẹ hết hồn. Nhưng, xin thưa, “xõa” chỉ là đi chơi, đi uống trà, tóm lại đi chơi bời gì đó, mà biên độ, mức độ chơi rất rộng. Có thể ngồi nói chuyện nhí nhố, có thể nhảy nhót một tý. Đó là “xõa”. Nghe từ này, ta liên tưởng đến từ “xõa xượi”, hình ảnh một người con gái tóc tai tung tóe, qua một cuộc chơi hết sức. Có lẽ từ “xõa” bắt nguồn từ cụm từ này. Nhưng bây giờ, “xõa” dùng cho cả con trai. Thế đấy. Mình già rồi, không biết có ai rủ mình “xõa” không?
- Chuối. Nếu nghe thấy câu: Cậu chuối thế? Thì là gì? Thế là bảo cậu ngớ ngẩn, vụng dại đấy. Nhưng không hẳn là thế, mà “chuối” còn có nghĩa như kiểu ngày xưa nói về từ “chày cối”, tức là cố tình làm cho sự việc khó khăn thêm, giả vờ không hiểu. Tôi không hiểu từ này bắt nguồn từ đâu. Có lẽ từ chữ “trượt vỏ chuối”, giẫm vào vỏ chuối là ngã chăng?
- Khoai. Vấn đề này “khoai” nhỉ? Thế là vấn đề khó khăn, nan giải. Hoặc người ta cũng nói “khoai khoẳm nhỉ?”. Không hiểu sao người ta lại dùng từ này gán cho một việc khó? Có lẽ từ câu “thấy người ta ăn khoai, vác mai đi đào” chăng? Nhưng cách đây 40 năm, thế hệ tôi, nếu thấy anh nào có vẻ nông dân, cù lần, thì đặt cho biệt danh “Khoai”. Bây giờ ngôn ngữ lại dùng từ khoai khác hẳn
vẫn còn khá nhiều từ hay hay nữa anh có muốn em cung cấp thêm không?
Trả lờiXóaMột số từ như "tin", hot-boi, hot-gơ"... có xuất xứ từ tiếng Anh; một số từ như Campuchia (chia), hoành tráng...
Trả lờiXóaĐúng đấy, ai biết thì cứ đưa thông tin lên đây nhé. Tôi nhiều khi sống giữa bọn trẻ, nghe các cháu nói mà cứ như "vịt nghe sấm"
Trả lờiXóaỞ trong blog này, chắc có bạn còn trẻ, thế hệ @. Ví dụ, comment tối nay: "... thích thì nhích, gì phải xoắn". Xoắn là gì? Hoặc hi,hi, moa moa. Tôi tìm hiểu, hóa ra hôn nhau thì kêu moa moa. Phải chăng người bình luận là vợ, người yêu hay gì?
Trả lờiXóaChuẩn ko cần chỉnh! m..oa...m...oa...
Trả lờiXóaNXH đề bài 1, nghĩa là còn có bài 2, bài 3 nữa hay chỉ đến đây là dừng? lần trước ông viết bài ĐẰNG SAU MẶT TRĂNG, kết thúc bài ông ghi đậm chứ (Còn nữa) thế mà đợi hơn hai tuần rồi cũng không thấy đâu? tôi hiểu còn nữa của NXH dịch sang tiếng Anh là finish, dịch tiềng Việt là "chấm hết". Không hiểu nghĩa "bài 1" ở đây dịch sang tiềng Việt là "chỉ có một bài" hay còn nghĩa nào khác nữa không? xin được tác giả giải thích. (NCT)
Trả lờiXóaTôi tưởng từ “chuối” nói tắt của “củ chuối” với nghĩa là chán, dở, tệ quá vì đói mà phải ăn thân chuối đã chán mà thân chuối không còn phải ăn đến củ chuối thì khổ biết chừng nào.
Trả lờiXóaBạch Vương