31 tháng 12, 2012

Chuyện một thời đã xa

Nhân việc nhà văn NXH post lên mạng hình ảnh về một thời xa, tôi xin kể một vài mẩu chuyện để các bạn nhớ  lại cái sự giao thông đi lại ở thời xa xăm đã đi vào cổ tích ấy, trước khi tống tiễn năm cũ và bước vào một năm mới chưa thấy gì hứa hẹn cả .(NCT)

        Thời gian học cấp 3 ở thị xã Hưng Yên, cứ vài chủ nhật , học sinh lớp chuyên toán lại phải xin phép Thầy Toán về nhà một lần để cha mẹ cho một bữa ăn tươi và kiếm mấy đồng chi tiêu trong những ngày tiếp theo. Tôi, Tuyên, Vững trọ tại nhà bác Thúy ở đầu phố chợ Gạo, sát đường 39. Tuy vậy, nhiều khi đón xe ô tô từ Chợ gạo cũng rất khó, nên chúng tôi thường đi bộ lên bến xe thị xã. Ngày đó vé ô tô Hưng Yên - Hải Dương và Hưng Yên – Hà Nội đều có giá một đồng rưỡi. Khoảng cách Hưng Yên – Trương Xá chỉ có 16 km, nhưng phụ xe bao giờ cũng thu 5 hào (đúng ra chỉ đáng 4 hào thôi). Vì đi gần, chúng tôi bao giờ cũng phải đứng. Một lần, chiều thứ Bảy, tôi và Tuyên lên đến bến xe đã 5 giờ chiều, chỉ còn chuyến cuối cùng đi phố Nối. Những người mua được vé đã lên chật kín. Tôi và Tuyên cố len lên xe. Ông phụ xe rất to béo quát: hai thằng này đi đâu? Chúng tôi trả lời lí nhí: “chúng cháu đi Trương Xá ạ” và rất lo bị đuổi xuống vì không có vé (đã nhiều lần chúng tôi bị đuổi như thế). May là ông ta chỉ quát: “đứng dẹp vào các ông tướng”, rồi ấn cái mông to tướng vào hai thằng tôi. Hai thằng đã bé còn phải thót bụng đến nghẹt thở và chỉ đứng được bằng một chân ở trên xe. Đến Trương Xá, chúng tôi xuống vẫn không thấy ông béo hỏi tiền, thế là được lãi 5 hào. Niềm vui bất ngờ ào đến, hai thằng vừa đi, vừa cười nói huyên thuyên, bàn chuyện tuần sau sẽ tiêu gì với 5 hào không bị mất hôm đó. Ăn kem hay ăn phở ông Đức? Đi 5 km từ Trương về nhà mà như bay vậy. Từ đó, mỗi khi đi ô tô về nhà hoặc lên Trường chúng tôi thường lẩn ra đứng đằng sau phụ xe,  hy vọng thoát tiền vé và cũng có vài lần toại nguyện.

          Chuyện tàu xe khó khăn như vậy tưởng chỉ tồn tại khi cả nước phải dồn sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam, nhằm sớm thống nhất đất nước. Nhưng không, nó còn kéo dài tới hơn một chục năm sau khi hòa bình đã lập lại, tổ quốc đã thống nhất. Những năm học Đại học Bách Khoa, mỗi lần về hè, về tết là cả một mối lo lớn. Lần nào về quê cũng phải đi bộ từ Trường ra bến xe điện tuyến Chợ Mơ – Bến Nứa, đi ô tô 52 km về Trương xá, rồi đi bộ 5 km về nhà (làm gì có xe ôm như bây giờ). Hồi đó không mua được vé thì khó lòng lên nổi xe, vì công an, kiếm soát quân sự kiểm tra rất gắt gao, phụ, lái xe cũng ngại không dám vi phạm quy định của bến xe. Nhiều khi có vé cũng vẫn phải đứng, phải trèo qua cửa sổ mới vào được ô tô. Tôi đã nhiều lần trông thấy bạn Miến của chúng ta trèo như thế.

          Hồi đầu tháng 7 năm 1981, cô em Mai Anh của tôi thi vào Đại học sư phạm Toán, muốn tôi về bổ túc cho thêm ít kiến thức và đưa em đi thi. Trước ngày thi một tuần, chú em kế tôi đang học Bách Khoa K23 (giờ là Giám đốc Điện lực Hưng Yên) điện khẩn lên cho tôi, lúc đó đang học chuyển loại kĩ sư súng pháo ở Trường Đại học Kỹ thuật quân sự: ‘Ông chết về ngay” (thực tế ông nội tôi đã mất từ năm 1944 và ông ngoại tôi thì mất từ năm 1946). Thế là Đại đội trưởng Trung buộc phải thu xếp cho tôi về một tuần, những anh em khác cũng  bảo người nhà đánh điện để có lý do xin về đều không được giải quyết vì đơn vị đang vào dịp tổng kết khóa học. Tôi đi tầu về đến Hà Nội mới 1 giờ chiều, nên quyết định ra thẳng bến Nứa về nhà. Quầy bán vé ô tô đi Hưng Yên người xếp hàng dài chờ đợi, cả hàng ưu tiên dành cho thương binh, gia đình liệt sỹ (có giấy chứng nhận) lẫn hàng dành cho dân thường. Một tay trung úy đeo ba lô cả trước ngực và sau lưng trông thấy tôi đứng cuối hàng thì đến nói chuyện, rồi bàn với tôi để một mình hắn mua vé, tôi ra trông đồ cho cả hai thằng. Tôi đồng ý. Thấy hết đợt bán vé cũng còn lâu mới đến lượt, tôi đứng ngoài nghe lỏm được mụ bán vé tên là Hòa cũng có chồng bộ đội, nên bảo tay trung úy đứng chặn ở cửa phòng nhân viên bán vé làm quen giới thiệu là người cùng đơn vị với chồng chị ta, hy vọng được ưu tiên. Chị ta hỏi lại: thế các anh có biết chồng tôi tên là gì không? Tôi nói luôn tên đại đội trưởng Trung của mình. Chị ta nhếch mép cười rồi nói: thôi các anh chịu khó xếp hàng chờ đi, chồng tôi cũng là bộ đội nhưng không phải tên như các anh nói đâu.

          Chuyến xe cuối cùng đi Hưng Yên đã rời bến mà vẫn còn những hàng dài người xếp hàng chưa có vé. Tay trung úy rủ tôi ngủ lại bến xe chờ sáng ngày hôm sau mua vé về sớm. Thế là tôi đồng ý ngủ lại với hắn, trải ni lông ra mặt con đê phía trước bến xe, nằm đó hưởng gió và muỗi sông Hồng cùng với hàng trăm người khác. Vừa ngủ vừa phải để ý canh kẻ trộm.

          Hôm sau, 5 giờ sáng lại dậy xếp hàng mua vé. Trung úy lại nhận chân xếp hàng, còn tôi lại ở ngoài trông đồ. Chín giờ sáng hắn từ quầy vé ra nhễ nhại mỗ hôi, lưng áo ướt đầm, mặt méo xệch nói chỉ mua  được một vé và bảo tôi thông cảm để hắn về trước vì hắn đóng quân ở miền Nam ba năm rồi mới được về thăm nhà. Nhìn cảnh người xếp hàng dài chen chúc chờ đến lượt mua vé mà thấy ngao ngán, tôi hỏi thuê một chiếc xích lô về Phố Nối rối tính tiếp nhưng không có ông xích lô nào chịu chở xa như thế. Tôi đành nhảy tàu điện về chợ Mơ, rẽ vào nhà bà cô ruột nhờ mượn giúp cái thẻ chứng nhận gia đình liệt sỹ của bác hàng xóm để ra xếp hàng mua vé ưu tiên. Quay trở lại bến xe lần này cùng với bà cô, tôi may mắn mua được vé, mặc dù cũng phải đứng, tôi đã về được đến nhà trước khi trời tối.

         Bây giờ nghĩ về chuyện đi lại ngày ấy vẫn thấy rùng rợn. Đoạn đường có hơn 50 km mà phải mất gần hai ngày chầu chực đợi lên xe, lại còn phải ngủ đêm ngoài trời nữa. Có thể các bạn trẻ hôm nay nghĩ rằng tôi đã bịa hay đang mộng mị về một vương quốc nào đó không có thật trên trái đất này. Nhưng đó lại là sự thật đã xảy ra với chính bản thân tôi và chắc rằng, những người cùng thế hệ với tôi đều đã từng trải nghiệm tương tự như vậy trong thập kỷ đầu của nước Việt Nam thống nhất - nước CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, với những nhà lãnh đạo nổi tiếng: ông Lê Duẩn - Tổng Bí thư, ông Trường Chinh - Chủ tịch Hội đồng nhà nước, ông Phạm văn Đồng - Thủ tướng/ Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, ông Tố Hữu – Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng… (NCT-12/2012)

9 nhận xét:

  1. Ông NCT chỉ kể chuyện xe khách HN- HƯng Yên, chứ ông kể chuyện xe khách Sơn Tây- Hà Nội thì còn rùng rợn hơn. hàng trăm thằng mặc quần áo bộ đội tranh nhau lên xe, như là đám kiến xâu xé 1 con mồi. Đến khi xe chuyển bánh thì trên nóc nó không còn một chỗ hở, các cửa xe không còn một chỗ để bấu víu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xe khách Sơn Tây - Hà nội, đa số là bộ đội trốn đơn vị về, không chịu mua vé, chặn cả ô tô, ngồi đầy nóc xe, thò cả thân người ra ngoài xe, hơi xấu hình ảnh "anh bộ đội cụ Hồ". Ở trung tâm Hà Nội thanh lịch, những người nghiêm chỉnh mua vé đi xe còn bị hành như thế mới thấy lỗi chính là do sự yếu kém trong quản lý nhà nước. (NCT)

      Xóa
  2. Nặc danh21:08 31/12/12

    Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ
    Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn
    Ta đã gặp những điều không hề chờ đợi gặp
    Nào đâu phải chỉ là rắn phục giữa vườn hoa...

    Trả lờiXóa
  3. Bạn không hiểu bởi vì thơ khó hiểu
    Phức tạp làm chi câu chữ mỹ miều
    Cứ đơn giản, bình dân, dung dị
    Dễ cảm, dễ hoà, dễ nhớ có hơn không!

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh09:12 2/1/13

    Chúng cháu không thể hình dung được chuyện đi ô tô lại phiền phức đến như thế.Chuyện cổ tích cũng không có những hình ảnh đến mức này. Cảm ơn bác NCT đã cho chúng cháu biết sự thật về đất nước mình cách đây 30 năm như thế nào.

    Trả lờiXóa
  5. Ông NCT láu cá từ bé nhỉ. Hồi cấp 3 đã tìm cách trốn vé ô tô kiếm tiền ăn kem, ăn phở. Sao sau này làm quan chức chưa thấy thể hiện? hay là ông giấu, đợi về hưu mới thể hiện như các ông quan khác?

    Trả lờiXóa
  6. Nặc danh21:26 4/1/13

    Hồi năm 81-82 thế kỷ trước, tôi về nhà ở Nghệ An vào dịp tết và hè nhiều khi cũng phải chầu chực hàng ngày trời ở ga tàu. Có lần nằm vạ vật tới 3 ngày mới có tàu. Nhà ga không thông báo cho hành khách biết lúc nào có tàu mà chỉ bảo phải đợi. Nhiều người có gia đình ở ngay trong thành phố cũng không dám về nhà vì sợ nhỡ tàu. Cái nước mình ngày xưa nó thế, đúng như NCT đã kể.

    Trả lờiXóa
  7. Nặc danh08:43 5/1/13

    Những người nước ngoài (Âu Mỹ hay Hàn Quốc, Nhật bản) khi đến Việt nam đều có chung một nhận xét là giao thông ở Việt Nam hiện nay giống như ở nước họ ở cái thời xa lắm (40-50 năm về trước thậm chí còn xa hơn nữa). Người Việt nam ta nghĩ gì về điều này?

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.