Tháng
8 năm 1981, vào thời gian cuối khóa học chuyển đổi kỹ sư súng pháo, hầu hết các
môn học đã kiểm tra xong, chỉ còn đợi một số người phải thi lại và chờ sự phân
công của Bộ Quốc phòng. Kỳ rủ tôi lên thăm Bách, lúc đó là giáo viên toán Trường
sỹ quan Vũ khí - đạn, đóng tại huyện Hạ Hòa tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ),
giáp với Yên Bái. Chiều hôm ấy, chúng tôi lên tàu hỏa từ Hà Nội đi Phố Lu (Lào
Cai). Vì trốn vé chúng tôi ngồi trên nóc tàu hưởng cái gió mát trong lành của
vùng đồi trung du.
Tới ga Ấm Thượng (Thị trấn Hạ Hòa) đã hơn 8 giờ tối. Từ ga
này tới Trường Bách phải đi 8 km đường đất. Tôi nhớ trăng đêm ấy thật sáng,
trăng miền trung du dường như còn sáng hơn dưới đồng bằng. Con đường chạy dọc
theo dòng sông Thao hiền hòa. Bờ sông là rừng chuối, toàn chuối ta núc nỉu quả.
Dưới ánh trăng đằm thắm ấy mới thấy “quê em miền Trung du” thật đẹp và thơ mộng
làm sao. Lúc đầu còn mặc quần áo dài, sau hai thằng cởi hết quần áo chỉ mặc quần
đùi mà đi. Đi mãi thì tới một ngã ba, thấy một ngôi nhà đang sáng đèn. Kỳ đứng
bên ngoài chờ. Tôi mặc lại quần áo bộ đội, đi vào sân mới biết người ta đang họp
đội sản xuất. Tôi hỏi thăm đường vào Công trường 28 (mật danh Trường Sỹ quan Vũ
khí - đạn), một chị ngồi ngoài cùng chạy
ra chỉ đường cho tôi và bảo phải đi thêm 3 cây số nữa.
Hơn
10 giờ đêm chúng tôi mới đến cổng Doanh trại quân đội – Trường của Bách. Trực
ban đơn vị tiếp chúng tôi, rồi gọi điện lên khu giáo viên thông báo. Trong lúc
chờ đợi, chúng tôi nói chuyện với mấy cậu trực ban, có cậu người Hưng Yên thấy
tôi bảo quê Kim Động thì nói có anh Phan cũng người Kim động đang học ở đây.
Phan là con ông chú tôi, trước tôi chỉ
biết em đi bộ đội hải quân, lúc này mới biết em đã về học sỹ quan vũ khí đạn. Rồi một cậu chạy về gọi
Phan lên đón anh (bộ đội là thế, người nhà đồng đội cũng như người nhà mình). Một
lúc sau, thấy Phổ tóc quăn và Bình (cùng dân toán lý K20 Bách khoa) ra đón
chúng tôi và nói Bách đã đi tàu chiều về quê có nói ghé qua chỗ chúng tôi chơi.
Hóa ra hôm đó có hai con tàu ngược chiều nhau cùng chở những người bạn lớp e
chuyên toán đi thăm nhau mà không gặp. Chúng tôi ở lại nhà khách của Trường đêm
hôm ấy. Sáng hôm sau mấy bạn cùng học Bách khoa, anh Trưởng khoa của Bách và cả
mấy thằng em cùng học lớp với chú em tôi tổ chức tiệc đãi khách rồi đưa chúng
tôi ra ga tàu quay về. Họ dẫn chúng tôi tắt qua đồi cọ ra ga gần hơn rất nhiều
con đường chúng tôi đi đêm hôm trước.
Chúng
tôi về đến thị xã Phú Thọ thì xuống tàu, vào Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh chơi
với mấy em giáo sinh khoa toán Kỳ quen. Chả là Kỳ và mấy sỹ quan cùng học Chế tạo
máy Bách khoa đi chơi Đền Hùng gặp mấy em này rồi bắt quen. Họ cũng đã giao lưu
với nhau mấy lượt rồi. Đúng giờ tan học, đang lớ ngớ định hỏi thăm thì một cô
nhận ra Kỳ kêu “a” lên một tiếng rồi chạy
mất. Mấy phút sau cả 4 cô ào đến vây quanh anh Kỳ, tíu tít dẫn chúng tôi về
phòng nội trú của các cô. Tôi nhớ có hai cô tên Hà, một cô tên Hương và một cô
tôi không nhớ tên. Các cô rối rít chuẩn bị cơm nước chiêu đãi hai thằng tôi.
Cơm trưa xong, các cô ý tứ rút sang phòng khác để hai thằng ngủ. Sau một đêm mệt
mỏi, chúng tôi lăn ra ngủ khò khò, đến 3 giờ chiều Kỳ lay tôi dậy vì các em đã
quay lại để dẫn chúng tôi đi thăm cảnh trường. Hồi ấy thị xã Phú thọ nhà còn
thưa và rất nhiều cây xanh. Khu trường cao đẳng sư phạm như một vòm cây lớn, vì toàn cây to xum xuê cành lá. Các em giới thiệu
nơi này trước là khu làm việc của Tỉnh ủy, sau khi sáp nhập tỉnh, các cơ quan
chuyển về thành phố Việt Trì thì Trường cao đẳng chuyển về đây. Trên đường đi,
mỗi khi vấp chân cô nào cũng nói một câu cửa miệng: “cái hòn đá này không có mắt
à?”. Kỳ giới thiệu tôi là nhà thơ, các em cứ bắt phải làm một bài thơ tặng. Tôi
ngượng đỏ cả mặt vì cái danh hiệu mà bạn mình phong cho và cũng phải hứa về
chuyến này sẽ có thơ gửi lên tặng các em. Tối, cơm nước xong, chúng tôi lưu luyến
chia tay các em, lên tàu về đơn vị. Năm giờ sáng tàu về tới Vĩnh Yên, cũng là
lúc bài thơ THỊ XÃ MÀU XANH đã hoàn thành. Về đến đơn vị tôi chép lại đưa cho Kỳ
xem, Bạn rất thích. Tôi cũng chẳng nhớ Kỳ đã gửi bài thơ đó lên tặng các em
chưa?
Năm
1983, khi là trợ ý vũ khí đạn sư đoàn bộ binh cơ giới 320, tôi cùng với một số
cán bộ sư đoàn từ Hương Canh đi lên thị xã Lào Cai khảo sát thực địa lập tuyến
phòng thủ biên giới. Đoàn xe bọc thép của chúng tôi dừng lại nghỉ trưa đúng nơi
Trường cao đẳng sư phạm Vĩnh Phú, vì ông Sư phó Chính trị quê ở đây, có em là
Hiệu trưởng và Bí thư đoàn Trường. Đoàn trường tổ chức cho các em mang nước chè
xanh ra phục vụ bộ đội, rồi giao lưu ca hát. Tôi cũng lên đọc bài thơ THỊ XÃ MÀU XANH trước giờ lên đường, được mọi người hoan hô nhiệt liệt. Lúc đó tôi đã sửa
lại vài chi tiết ở hai khổ đầu và khổ cuối bài thơ cho có không khí ra trận.
Hơn
30 năm qua đi, Trần Hồng Kỳ vẫn không quên những câu thơ viết về bạn và tôi thì vẫn nhớ
nguyên văn bài thơ đầy kỷ niệm đó. Tháng 12 là tháng của những người lính, tôi lại
nhớ về bài thơ THỊ XÃ MÀU XANH như nhớ về những năm tháng tuổi thanh xuân hào
hùng và mơ mộng của mình. (NCT-12/2012)
Nội dung chuyện chỉ có lên tàu, xuống tàu, trò chuyện với mấy em mà ông Thành viết hay thế, rất cảm động. Đúng là học trò cưng của cô Tâm (LPT)
Trả lờiXóa"Hóa ra hôm đó có hai con tàu ngược chiều nhau cùng chở những người bạn lớp e chuyên toán đi thăm nhau mà không gặp". Bây giờ thì chẳng thể nào có chuyện như thế này nữa các bác nhỉ.
Trả lờiXóaĐề nghị NCT cho đăng ngay bài thơ THỊ XÃ MÀU XANH, đọc xong bài dẫn hồi hộp quá thi sĩ a.
Trả lờiXóaĐúng rồi, NCT đăng ngay cho anh em thưởng thức để còn họp giao ban cơ quan đầu tuần???
Trả lờiXóaTôi rất thích những câu chuyện NCT kể về những kỷ niệm với bè bạn lớp chuyên toán cấp 3, rất nhẹ nhàng mà sâu sắc, đem lại tiếng cười cho người đọc. Những sự việc rất bình thường cũng được dựng thành câu chuyện hấp dẫn. Mong NCT cố gắng phát huy.
Trả lờiXóa