14 tháng 4, 2013

Chợt nhớ lại bài thơ cũ

Mùa thu năm 1983 đơn vị tôi chuyển tới đóng quân ở vùng đồi trung du Vĩnh Phú. Những đêm trăng trung du với tôi thật kỳ diệu. Ở vùng đồi trăng hình như to hơn, sáng hơn, vàng hơn trăng quê mình thì phải. Những đêm trăng như thế, tôi thường đi dạo một mình, ngắm trăng và ước mơ về một tình yêu trong sáng. Ngày ấy, tôi ghi lại cảm xúc của mình bằng một bài thơ ngắn. Hôm nay ngồi một mình với blog E chợt nhớ lại bài thơ cũ. Xin chép ra đây giới thiệu cùng các bạn. (NCT)


MỘT MÌNH

Chỉ mình ta với bóng ta thôi
Đêm rộng quá. Đêm yên tĩnh quá
Gió đưa nôi triền đồi say ngủ
Tiếng tim mình ngỡ bước chân ai!

Chỉ mình ta với bóng ta thôi
Giữa trời trái thị chín trôi...trôi...
Bâng khuâng đầu gió hương bồ kết
Hãy hiện về đây cô Tấm ơi!
                                ( NCT - thu 1983)


14 nhận xét:

  1. Nặc danh08:42 15/4/13

    Anh NCT phải một mình viết bài cho blog E nên nhớ tới cảnh một mình ngắm trăng ư? NXH và các cây bút khác của blog đâu rồi mà để NCT "một mình" thế? Cả N22, Mai Hương, Hải Yến nữa mấy tuần rồi vắng mặt, không hiểu có lý do gì?

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh09:49 15/4/13

    Tối qua mới là tối mồng 5 mà anh NCT ngồi gần 12 giờ đêm ngắm được vầng trăng to tròn thế. Vầng trăng của mùa thu 30 năm trước trở về lung linh trong anh. Dạo này anh "hoài cổ" nhiều quá vậy? Đây là tâm lí chung của U60 à, hay chỉ có "một mình" anh?

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh10:14 15/4/13

    Em cứ tưởng anh NCT nhớ em hoa Anh Đào Sakura nước Nhật rồi nhớ tiếp đến em Bạch Dương nước Nga cơ. Hoá ra, anh lại quay về nhớ em Tấm trong cổ tích nước Việt mình!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đã đi nhiều nước, biết nhiều em từ Âu sang Úc, rồi Nhật, Trung, Hàn Quốc, Thái lan...để đi tới kết luận cô Tấm Việt Nam vẫn là nhất. Tôi đã có bài Hoa Trinh nữ ca ngợi người con gái Việt đã đăng trên blog E rồi (NCT)

      Xóa
    2. Nặc danh17:21 15/4/13

      Chẳng qua là Hoa Trinh nữ và Cô Tấm (cả mơ chùa Hương hay đồng lúa nữa) có được trong thơ anh là do anh làm trước khi anh đi các nước anh kể trên thôi. Giá như những bài thơ này anh viết gần đây, em mới tin lời anh kết luận "cô Tấm Việt Nam là nhất".

      Xóa
    3. gần đây tôi có bài EM LÀ MÙA THU (9/2012), HƯƠNG TÌNH YÊU (9/2012), GIẤC MƠ SUỐI YẾN (1/2013) đã đăng trên blog E rồi đấy.Bạn hãy đọc rồi phát biểu lại nhé. (NCT)

      Xóa
  4. Nặc danh22:01 15/4/13

    (Lời bình của N22)

    TÌNH ĐỜI, TÌNH NGƯỜI TRONG “MỘT MÌNH”

    Một mình giữa đất trời với cỏ cây mây nước. Một mình trong đêm thu dưới trăng khuya … để mình đối diện với chính mình, với cái bóng của mình … Cảm hứng từ đề tài này, từ lâu, thi ca đã ghi nhận bằng những tứ thơ tuyệt tác. Một Thanh Quan với “Một mảnh tình riêng ta với ta” giữa rừng núi hoang sơ của Đèo Ngang. Đó là, một nỗi cô đơn ngập tràn, một nỗi nhớ thương không nguôi về cố đô của non nước cũ. Một Tản Đà buồn thế sự dưới trăng thu - Nỗi buồn sánh ngang tầm trời đất, và gọi chị Hằng, mong chị mang mình thoát tục: “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi/ Trần thế em nay chán nửa rồi/ Cung quế đã ai ngồi đó chửa?/Cành đa xin chị nhắc lên chơi!”.
    Đọc MỘT MÌNH của một thi sĩ chưa nổi tiếng trên thi đàn, tôi gặp lại một đề tài cũ. Tôi không làm cái việc vô nghĩa là so sánh thơ của những thi nhân muôn đời “vang bóng” với thơ của một thi sĩ “nghiệp dư”. Tôi chỉ có một chút liên hệ từ đề tài, nguồn cảm hứng, tâm trạng …
    Nhưng, quả thật, MỘT MÌNH có một cái gì đó rất riêng, cả trong cảm xúc lẫn cách đưa những hình ảnh vào thơ để biểu đạt những trạng thái tình cảm tinh tế của nhân vật trữ tình.
    Cái “riêng” của MỘT MÌNH, trước hết là ở những trạng thái tình cảm. Dưới trăng thu, “một mình” trong cái “rộng” và “yên tĩnh” của cả thời gian và không gian, hẳn là nhân vật trữ tình không khỏi cảm thấy cô đơn. Cô đơn bởi không có ai tâm sự, “Chỉ mình ta với bóng ta …” mà! Cô đơn bởi sự đối diện giữa cái hữu hạn là con người với cái vô hạn là đất trời. Đây là cảm giác quen thuộc trong thi ca. Nhưng, trong cái CÔ ĐƠN ấy, ta vẫn thấy một niềm yêu tha thiết với cuộc đời bởi cái nhìn thiên nhiên trong trẻo quá, dịu dàng quá, gần gũi quá: “Gió đưa nôi triền đồi say ngủ”. Và, trong tình yêu cuộc đời rộng lớn ấy, còn có một tình yêu rất riêng nữa: Tình yêu lứa đôi. Những người thích nói về tình yêu đôi lứa một cách ào ạt, cuồng nhiệt, sẽ khó nhận ra cái tình yêu nhẹ nhàng – hình như mới chớm nở - trong lòng nhân vật trữ tình. “Tiếng tim mình ngỡ bước chân ai”, chẳng phải là “tiếng” của con tim đã bối rối vì yêu đó sao? Thấy lẫn trong gió “hương bồ kết”, chẳng phải là nỗi nhớ về một mái tóc dài – mái tóc thôn nữ - hẳn đã từng kề bên anh đó sao? Nhìn trăng vàng thắm như trái thị “trôi” trên trời đêm, rồi ước mong cô Tấm hiện về, chẳng phải lòng anh đang hướng về "cô Tấm" của riêng anh đó sao? … Như thế, nỗi niềm cô đơn trong nhân vật trữ tình chỉ là cái nền, để anh thể hiện những tình yêu thiết tha của mình: Yêu đời, yêu người. Tình yêu ấy nhẹ nhàng mà sâu lắng, không cồn cào, nhưng lại không kém phần mãnh liệt.
    Cái “riêng” của MỘT MÌNH còn là ở những hình ảnh thơ. Những hình ảnh đẹp trong sự giản dị, gần gũi và dịu dàng. Tôi đã đọc một số bài thơ của thi sĩ, và đã thấy, GIẢN DỊ - DỊU DÀNG hình như là phong cách thơ anh, cũng là nét riêng trong tâm hồn anh. Trong bài thơ này cũng vậy! Hình ảnh “Gió đưa nôi triền đồi say ngủ” cho người đọc cái cảm giác: mọi vật trong thiên nhiên như những thành viên trong một gia đình, rất gần gũi và quan tâm, chăm lo tới nhau, và gần gũi với con người. Nhưng, đặc sắc nhất là ở hình ảnh trăng: “Giữa trời trái thị chín trôi … trôi”. Có bao người đã miêu tả trăng thật đẹp, thật hay … .Nhưng hình ảnh “trái thị chín trôi …trôi” đã khắc hoạ trăng gợi những cảm giác khác hẳn. Trăng vàng thắm. Trăng tròn đầy. Trăng ngọt ngào. Trăng thơm mát. Như thế, dưới ngòi bút của thi nhân, chỉ bằng một hình ảnh thôi, mà trăng có cả sắc màu, cả dáng hình, cả hương vị… Và trăng, còn gợi nỗi nhớ nhung về em – cô Tấm của anh. Hình ảnh “trái thị chín” đi từ truyện cổ vào thơ tình yêu tự nhiên như thế! Không cầu kì mà biết bao lắng đọng.
    Đọc MỘT MÌNH, ta khó quên, không phải ở những gì tân kì hiện đại. Ta nhớ MỘT MÌNH chính là bởi tình đời, tình người chứa chan trong một bài thơ không nhiều câu chữ. Chữ nghĩa và cảm xúc, tất cả đều dung dị, gần gũi như những gì vốn tồn tại trong cuộc sống quanh ta … Giá trị của một bài thơ hay, cũng chỉ cần có thế.
    (N22)

    Trả lờiXóa
  5. N22 bình bài thơ hay quá. Qua nhận xét của N22 thì chỉ với bài thơ ngắn này NCT đã có chỗ đứng trên thi đàn rồi. Mong NCT tiếp tục phát huy.Sao N22 không bình bài thơ "thư gửi đi rồi' của anh nhỉ. Hay N22 chê thơ LPT không hay bằng thơ NCT? (LPT)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh22:13 16/4/13

      Cảm ơn lời chia sẻ của anh, anh LPT ạ, và em cũng xin lỗi vì em đã không có ý kiến gì trước lời mời bình bài thơ "Thư gửi đi rồi" của anh hôm trước. Hôm đó, em không có lời bình, vì quả thật, bài thơ anh viết hộ bạn ấy, đúng là đã làm "cây bút bình thơ nghiệp dư" của em khó viết. Em không thể xác định được cảm xúc chủ đạo là của anh hay bạn anh. Dù rất giàu cảm xúc, nhưng đó đúng là một bài thơ ... viết hộ bạn. Đó là lí do, chứ không phải em "chê" thơ anh đâu ạ. Em đều yêu mến thơ của các anh lớp E, anh cũng thấy rồi mà!
      (N22)

      Xóa
  6. Nặc danh09:12 16/4/13

    Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  7. Nặc danh09:13 16/4/13

    Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hai nhận xét này của Mai Hương đã được chuyển thành bài Rét Nàng Bân (NCT)

      Xóa
  8. Nặc danh08:01 17/4/13

    Anh NCT hồi đó là bộ đội mà nửa đêm vẫn trồn ra ngoài doanh trại ngắm trăng à?

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh16:33 17/4/13

    Trái thị này to nhỉ! Chắc cô Tấm cũng "nặng kí" lắm đây!

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.