16 tháng 4, 2013

Nhân ngày giỗ Tổ: Về Hùng vương, chữ Hùng và nước Văn Lang

Nhân ngày gỗ tổ Hùng vương, blog E đã post mấy bài về lễ giỗ Tổ. Về chủ đề này, tôi xin góp mấy lời. (NXH)

1.     Hùng vương hay là Lạc vương?
Trong bộ sử chính thức đầu tiên của Đại Việt do Lê Văn Hưu viết, có nói đến Hùng vương và nguồn gốc dân tộc Việt, tuy nhiên, bộ sử này đã thất truyền. chỉ còn lại hình bóng trong các bộ sử “Đại Việt sử ký toàn thư” do Ngô Sĩ Liên biên soạn. Theo đó, Hùng vương là triều đại phong kiến đầu tiên của nước ta: “Đế Minh sinh ra Lộc Tục, Lộc Tục sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ sinh được 100 người con trai, 50 người theo mẹ lên núi cùng suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc - Phú Thọ” Triều đại Hùng vương kết thúc năm 258 trước Công nguyên, bị Thục Phán An Dương Vương đánh đổ.
Xét về dân tộc học, thì Hùng vương làm vua trong cương vực của người Lạc Việt. Trong “triều đình” Hùng vương, quan văn gọi là Lạc hầu, quan võ là Lạc tướng, quan địa phương là Bồ Chính. Từ tư liệu này, mà có học giả cho rằng, thực chất vua không phải là “Hùng vương”, mà phải là “Lạc vương”

Đến đây, phải mở ngoặc một chút. Các cụ ta chép sử, ngay cả Lê Văn Hưu hay Ngô Sĩ Liên, thì đều tham khảo sử liệu của người Trung Quốc. Mà người Trung Quốc, khi đến miền đất mới, thì ghi lại (phiên âm) tiếng nói bằng thứ chữ của họ. Giả sử khi đó, tại đất của Hùng vương, có thứ chữ bản địa như nòng nọc, thì người Trung Quốc đô hộ cũng đã tiêu diệt rồi, cho nên sau này, chúng ta chỉ có thể tham khảo sử liệu của cha ông mình từ chính kho sách của Trung Quốc. Các học giả theo “thuyết Lạc vương”, cho rằng, ban đầu người Hán viết chữ Lạc vương, trong đó chữ Lạc là  . Nhưng người Hán đời sau hoặc người Việt, đã đọc nhầm mặt chữ Lạc thành chữ Hùng  . Do mặt chữ Lạc và Hùng gần giống nhau, chỉ khác bộ bên trái. Vả lại, nghĩa chữ Hùng cũng đẹp, Hùng là hùng tráng, là giống đực mạnh mẽ, đồng âm với từ Hùng chỉ con gấu. Từ đó mà hậu thế Đại Việt gọi Lạc vương là Hùng vương.
Xét về logic và về dân tộc học, thì người Việt thờ phụng Lạc vương là ông tổ mới chính xác và có nhiều ý nghĩa. Một nguyên nhân khác, là sử liệu không hề tìm thấy bất cứ chữ “Hùng” nào trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc Lạc Việt. Vô lý vua thì Hùng vương, mà quan lại là Lạc hầu, Lạc tướng. Hùng cũng không phải là họ, để có thể gọi một triều đại (như Lý, Trần, Lê) mà là danh xưng của mấy nghìn năm triều đại, vậy phải là Lạc vương (vua của người Lạc) mới đúng. Do chữ Hùng vương được chấp nhận lâu rồi, nên chúng ta cứ gọi cụ tổ là các vua Hùng

2.     Hùng vương là Vua Khun.
Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, trong một bài báo, đã đặt ra giả thuyết về chữ Hùng. Giáo sư cho rằng, khi Trung Hoa có xã hội phong kiến tập quyền là nhà Hạ, nhà Thương, thì ở đất phía Nam của người Lạc Việt, chưa có nhà nước kiểu như vậy, mà chỉ có các bộ lạc. Trong số các bộ lạc của người Lạc Việt, tất nhiên có một ông tộc trưởng lớn nhất được các tộc trưởng khác tôn sùng. Mà tộc trưởng, tiếng bản địa phát âm là “Khun” hay na ná như thế. Khi người Hán đô hộ, họ coi ông tộc trưởng to nhất kia như là vua của người Lạc Việt, và gắn vào chữ “vương”. Chữ Hán không có chữ nào tương tự như “khun”, nên họ phải dùng chữ “Hùng”. Và, thế là có chữ “Hùng vương” để chỉ tộc trưởng của các tộc trưởng người Lạc Việt.

3.     Hùng vương và Tráng vương.
Một giả thuyết, có vẻ yếu hơn, thì cho rằng, xa xưa có bộ tộc Hùng, nằm trong khối các bộ tộc Việt. Bởi vì ngay cả khi nhà Hán hùng mạnh, thì phía Nam Trung Hoa vẫn còn nhà nước Nam Việt của Triệu Đà. Phần đất đó, cơ bản là nơi sinh sống của các bộ tộc Việt, gọi chung là Bách Việt. Trong đó, người Việt Nam sau này tự nhận là hậu duệ của Lạc Việt. Thật ra, phải là Lạc Việt và Tây Âu Việt. Vì khi Thục Phán đánh xong Hùng vương, thì lập nước Âu Lạc, là hỗn cư của Lạc Việt và (Tây) Âu Việt. Trong số các bộ tộc Việt, có bộ tộc gọi là Hùng Việt, và có ông vua Hùng thật sự. Lý luận này cho rằng trong số các bộ tộc Việt, nếu bộ tộc nào phát triển, lập nên nhà nước thì mới có vua lấy tên dân tộc mình làm danh xưng. Không có Bộc vương (của Bộc Việt), không có Mân Vương (của Mân Việt), nhưng lại có Kinh Dương vương (Dương Việt).
Lý luận này có một tư liệu, là hiện nay vùng Quảng Tây còn bộ tộc gọi là Tráng (giống như Nùng ở Việt Nam). Chữ Tráng khác xa mặt chữ Hùng, nhưng nghĩa “tráng” gần như hùng tráng. Đó cũng là dấu vết có tính sử liệu. Mặt khác, người Nùng hiện nay cư trú trên phần đất mà theo truyền thuyết. 50 người con Lạc Long Quân lên núi.  Tâm lý dân tộc khiến cho đại đa số người tự nhận là con cháu Lạc vương, Hùng vương khó chấp nhận rằng cụ tổ của mình chính là dân tộc Nùng. Đây cũng chỉ là một giả thuyết nêu ra bàn cho hết nhẽ mà thôi.

(Kỳ sau: Tại sao Văn Lang?)

2 nhận xét:

  1. Nặc danh11:08 16/4/13

    Anh NXH đã về đến hà Nội rồi đấy ạ. Những ngày ở trại viết văn Đà Lạt anh có tác phẩm mới nào thì Post lên cho độc giả blog E thưởng thức đi ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh19:35 16/4/13

    Anh yêu về rồi, thích quá.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.