17 tháng 4, 2013

Mười lỗi chính tả đắt giá nhất

Lỗi chính tả thời đại nào cũng đều có và ít nhiều ai cũng mắc phải. Nó là một hiện tượng tự nhiên, thậm chí có thể nói là một đặc điểm mang tính "nhân văn" và là cần thiết..., vì nó giúp người ta nhận biết cội nguồn, ví dụ dễ dàng nhận ra đồng hương dù ở tận chân trời góc biển; nếu gặp ai nói "em là người Hà Lội"...thì đúng đó là người gốc Hà Nội không phải nghi ngờ! 
Nhưng lỗi chính tả cũng gây ra nhiều vấn đề do hiểu nhầm, tại hại nhất là gây thiệt hại kinh tế tài chính. Nhân độc giả blog E đang tranh luận sôi nổi về lỗi chính tả tôi xin giới thiệu một vài thông tin thu lượm được về một số trường hợp cụ thể mà người ta phải "ngậm đắng nuốt cay" chỉ vì sai lỗi chính t. Nhờ NCT  chỉnh lại cho mấy cái ảnh nhé (LPT)

 

1. Cổ phiếu J-Com giá 1 Yen

Tháng 12/2005, Mizuho (Nhật Bản) giới thiệu công ty mới có tên J-Com Co., chào bán với giá 610.000 yen mỗi cổ phiếu. Chưa đầy năm sau, một trong số các giao dịch viên của họ đã bán 610.000 cổ phiếu với giá... một yen mỗi cổ phiếu, "tiễn" 340 triệu USD khỏi ngân sách công ty.

 

 2. Mua nhầm cổ phiếu của chính mình - 175 triệu USD 

Năm 1994 chứng kiến vụ mua cổ phiếu của Juan Pablo Davila, nhân viên của Codelco, một công ty quốc doanh tại Chile. Lúc đó, Juan đã mua số cổ phiếu mà chính mình đang bán. Sau khi nhận ra sai sót, ông đã cố gắng sửa chữa nhưng đến cuối ngày, Davila đã gây thiệt hại 175 triệu USD cho quốc gia. Ngoài chuyện đuổi việc nhân viên, Codelco đã khởi kiện Merrill Lynch (công ty giao dịch) vì cho phép Juan giao dịch chưa được phép, song chỉ nhận được 25 triệu USD dàn xếp. Từ đó, "davilar" - thuật ngữ mới ra đời được dùng để miêu tả những vụ sai sót kinh điển.



3. Dấu gạch nối của NASA - 80 triệu USD

Năm 1962, tàu thăm dò liên hành tinh Mariner 1 trị giá 80 triệu USD của NASA nổ tung chỉ sau mấy phút rời bệ phóng. Nguyên nhân sau đó được phát hiện ra là trong đoạn mã thiết lập tốc độ và quỹ đạo của con tàu đã thiếu một gấu gạch nối. Arthur C. Clarke, tác giả tiểu thuyết "2001: A Space Odyssey" gọi đây là "dấu gạch đắt nhất lịch sử".

 

 

4. In nhầm phiếu trúng thưởng - 50 triệu USD

Một đại lý bán xe hơi ở New Mexico (Mỹ) đã nghĩ ra sáng kiến kích cầu: in 50.000 phiếu cào, một trong số đó có giải trị giá 1.000 USD tiền mặt. Nhưng công ty in đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi cho toàn bộ số phiếu trúng thưởng, tương đương tổng giải 50 triệu USD. Không đủ khả năng thanh toán, hãng bán xe đành tặng mỗi khách trúng giải một phiếu quà tặng 5 USD tại Walmart.

 

5. Du lịch khiêu dâm - 10 triệu USD và 230 USD mỗi tháng

Công ty du lịch Banner Travel tại California (Mỹ) đã đăng tin về dịch vụ của mình trên tập Trang vàng doanh nghiệp nhằm quảng bá hình ảnh của mình. Vấn đề xảy ra khi dòng chữ "exotic destinations" (những điểm đến kỳ thú) đã trở thành "erotic destinations" (những điểm đến khiêu dâm) do lỗi đánh máy. Công ty in sau đó bị kiện 10 triệu USD, dù đã xin lỗi và miễn phí tiền hàng tháng trị giá 230 USD cho Banner Travel.

 

6. Gõ thêm ký tự khiến tăng gấp đôi phí vận chuyển - 1,4 triệu USD

William Thompson, một nhân viên tại Sở giáo dục New York thừa nhận đã đánh thêm một ký tự khiến phần mềm kế toán hiểu sai khiến đơn vị phải trả gấp đôi số tiền vận chuyển, từ 1,4 triệu USD lên 2,8 triệu USD. Sự việc diễn ra vào năm 2006.

 

 

 

7. Chữ P viết trên tên chai bia cổ - 502.996 USD

Một người bán hàng trên trang eBay đã vô tình (hoặc do thiếu hiểu biết) đã bán chai bia Allsopp's Arctic Ale 150 tuổi của mình với giá chỉ 304 USD do không phát hiện ra đây là thương hiệu khác với Allsop's Arctic Ale (có một chữ "p"), một nhãn bia thông thường. Kết quả, một người nhanh mắt đã mua lại và ngay sau đó bán được với giá 503.300 USD.

 

 

8. In nhầm giá vé tàu - 500.000 USD  

Tháng trước, Sở Giao thông New York vừa phải thu hồi 160.000 áp phích và bản đồ vì niêm yết giá tàu một tuyến mới là 4,5 USD (mức giá cũ), thay vì 5 USD. Số tiền thiệt hại ước tính lên tới 500.000 USD, cũng nhờ lỗi được phát hiện sớm.


 

 9. Mỳ ống phân biệt chủng tộc - 20.000 USD

Trong cuốn "The Pasta Bible" (năm 2010), nhà xuất bản Penguin Australia đã hướng dẫn độc giả nấu món ăn với "muối và thịt người da đen tươi". May mắn cho PA khi số sách này chưa được tung ra thị trường, nhưng họ phải tiêu hủy 7.000 bản có trong kho, với thiệt hại khoảng 20.000 USD.

 

 

 10. Trích thiếu Kinh thánh - 4.590 USD

Năm 1631, nhà xuất bản Baker Book House (London) đã viết lại 10 điều răn trong Kinh thánh, nhưng vô ý viết thiếu chữ "not" trong điều thứ 7 và trở thành "Ngươi nên ngoại tình". Baker Book House sau đó phải thu hồi toàn bộ số sách để tiêu hủy, chịu phạt 3.000 bảng (con số khổng lồ lúc đó). Còn lỗi lầm này đi vào lịch sử với cái tên "Cuốn Kinh thánh đồi bại". 
                      
                                                                      (Theo Blog Bách Việt)

5 nhận xét:

  1. Tôi tặng thêm LPT và bạn đọc chính tả đắt giá nhất, phải nói là vô giá vì nó làm hỏng đi cả một thế hệ qua ảnh chụp giáo trình dạy tiếng Việt lớp 1 của Việt Nam. (NCT)

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh13:41 17/4/13

    Cuốn Luyện tập Tiếng Việt lớp 1 tập 1 do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành lần đầu năm 2004 và đã được tái bản nhiều lần mới bị phát hiện sai quá nhiều lỗi chính tả và bị thu hồi. Tác giả cuốn sách là Bà Đặng Thị Lanh nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ GD&ĐT, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà Lanh không nhạn lỗi sai sót lỗi chính tả trong sách mà dổ cho NXB phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Chuyện này đã um sùm trên mạng một thời.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh13:52 17/4/13

    Em đồng ý với anh LPT rằng: Sai chính tả nhiều khi gây ra hậu quả khôn lường. Những ví dụ mà các anh đã sưu tầm trong bài viết là những minh chứng rõ cho điều này. Không ai trong chúng ta lại dám khẳng định mình chưa từng mắc phải ít nhiều. Nhưng em không đồng ý khi anh nói “nó là một hiện tượng tự nhiên, thậm chí có thể nói là một đặc điểm mang tính "nhân văn" và là cần thiết..., vì nó giúp người ta nhận biết cội nguồn, ví dụ dễ dàng nhận ra đồng hương dù ở tận chân trời góc biển; nếu gặp ai nói "em là người Hà Lội"...thì đúng đó là người gốc Hà Nội không phải nghi ngờ!”. Cái sai mà anh nói ở chỗ này là sai khi phát âm, khi nói (Tức là SAI CHÍNH ÂM – sai cách phát âm chuẩn), nó khác với SAI CHÍNH TẢ (Sai cách viết chuẩn). Sai chính âm khi dùng ngôn ngữ nói, có thể dễ dàng được chấp nhận vì nhiều lẽ: Do đặc điểm vùng miền (Người miền Bắc lẫn các phụ âm ch/tr, s/x, gi/r/d … trong đó địa phương hẹp hơn nữa có thể còn sai thêm các phụ âm l/n như ở Hưng Yên và một số nơi khác …, Người miền Trung lẫn dấu hỏi và dấu ngã, người miền Nam lẫn các phụ âm v/d …); do văn bản nói không phải là văn bản chính thức để điều hành và quản lý xã hội; do văn bản nói người ta đối thoại trực tiếp, có thể điều chỉnh ngay được sự hiểu sai …v…v….
    Nhưng sai chính tả thì không thể dễ dàng chấp nhận. Người ta chỉ chấp nhận những chữ sai không gây hiểu lầm nghĩa (Kiểu như “sĩ” và “sỹ” – những từ này không mang nghĩa khác được), và do có thay đổi trong qui định. Còn lại, khi sai mà thành từ ngữ khác, mang nghĩa khác, thì cần phải sửa ngay. Bởi văn bản viết là văn bản chính thức trong quan hệ xã hội, không thể bỗng chốc thay đổi văn bản viết khi đã giao tiếp (chúng ta vẫn nói “án tự hồ sơ” hay “bút sa gà chết”). Có nghĩa là, ta có thể phát âm chưa chuẩn, nhưng cần viết chuẩn. Khi biết là viết chưa chuẩn, thì nên sửa.
    Điều đáng buồn là, trẻ con ngày nay vẫn học chính tả mà vẫn viết sai chính tả như một chuyện bình thường nhất và chúng không có ý thức sửa. Người lớn cũng sai.Thậm chí, nhiều thầy cô giáo cũng sai. Viết sai chính tả thì không phân biệt tuổi tác, vùng miền, giới tính. Nó xuất hiện ở bất cứ đâu,với những người tuỳ tiện và cẩu thả.
    Phó thường dân em nói hơi nhiều mất rồi..

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh15:30 17/4/13

    Em ơi thế người HY viết và đọc là nhãn nồng hay nhãn lồng? nguồn gốc của từ nay như thế nào?

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh15:54 17/4/13

    Người HY viết và đọc "nhãn lồng", ND 15:30 ạ. Nguồn gốc của từ này cũng không ít tài liệu giải thích, có khác nhau đôi chút. Nhưng đa số đều thống nhất ở nội dung chính như sau:
    Đất HY rất thích hợp với cây nhãn nên từ ngày xưa, nơi đây đã trồng được thứ nhãn rất ngon, được chọn để tiến vua hàng năm. Loại nhãn này quả to,cùi dày trong, vỏ mỏng nhẵn, hạt nhỏ, ngọt đậm đà, thơm mát. Những cây nhãn được chọn, chăm sóc, bảo quản quả để khi thu hái mang vào tiến vua, người ta cẩn thận trong từng giai đoạn. Và để tránh dơi, chuột phá quả, người ta đan những chiếc lồng tre đeo cho từng chùm nhãn, cho đến khi có thể thu hái quả. Lâu dần, từ "nhãn lồng" được dùng rộng hơn, để chỉ giống nhãn ngon trên đất HY. Điều đó cũng không đúng lắm, nhưng phải chấp nhận việc dùng từ ngữ như vậy do sự biến đổi của xã hội thôi. Ngày nay, người ta lai tạo được nhiều loại nhãn quả rất to, nhưng hạt cũng to, không ngọt lắm và không thơm lắm (VD như nhãn Hương Chi). Và nhiều người cứ thấy nhãn quả to, thì gọi bừa là "nhãn lồng".

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.