19 tháng 4, 2013

Tiêu đề Quốc hiệu và Quốc hiệu.

Nhân dịp nghỉ mẫy ngày Giỗ Tổ Hùng vương và khắp nơi bàn đổi tên nước rất sôi nổi, tôi post bài này (NXH):

A. Tiêu đề “Độc lập – Tự do- Hạnh phúc”
Từ năm 1945 đến nay, trong văn bản chính thức về hành chính, chúng ta quá quen với tiêu đề đặt dưới Quốc hiệu: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Đó là cái gì vậy, và tại sao?

Có học giả bàn rồi tán đó là nguyện vọng ham muốn của Hồ Chí Minh để nước có tự do, độc lập, do dân vì dân… vân vân. Lẽ dĩ nhiên, thời lập nước, có Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn hẳn đồng đội một cái đầu, cái gì Ông cụ nêu ra, đều có tầm nhìn, càng về sau càng thấy chuẩn, nhưng giải thích “liên văn thiên” như thế cũng khó tâm phục khẩu phục. Dưới đây, tôi bàn về 2 khía cạnh:
Xét về hình thức, thì Tiêu đề dưới Quốc hiệu, thế hệ các cụ như Hồ Chí Minh quá biết lề lối văn bản thời Pháp thuộc. Bao giờ cũng có Tiêu đề, dòng trên: Cộng hòa Pháp; dòng dưới: Tự do- Bình đẳng- Bác ái. Đó là lý tưởng của cuộc cách mạng Pháp, được cô đúc vào Tiêu đề quốc hiệu của nước Pháp. Do đó, việc đặt tiêu đề ở nước ta chả phải sáng tạo gì, mà là tiếp nối truyền thống hành chính của nước Pháp, học tập người Pháp.
Xét về nội dung, mới là điều sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đặt tiêu đề này, chứng tỏ Hồ Chí Minh thích và ủng hộ Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Nội dung Chủ nghĩa Tam dân khuôn vào 12 chữ đó. Hồ Chí Minh cắt bỏ 3 cặp= 6 chữ dân tộc, dân quyền, dân sinh đi, giữ lại 6 chữ “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Song, ai có hiểu biết về Tư tưởng Tôn Trung Sơn, thì nhìn thấy ngay. Không có nội dung nào của Chủ nghĩa Cộng sản trong cái tiêu đề này (Giả sử mấy ông lãnh tụ cộng sản mà đặt tiêu đề thì có lẽ là: Chuyên chính- Tập trung - Bao cấp). 6 chữ Tiêu đề dưới Quốc hiệu, cũng là phương hướng phấn đấu cho một chính thể hướng tới nhân dân. Nhìn vào đây, thấy rõ tư tưởng Hồ Chí Minh, dù cho ai gán gì cho Ông cụ cũng chỉ là cái áo mà thôi.
Gần đây, người ta bàn đổi tên nước rất sôi nổi. Riêng tôi, tôi đoán chắc rằng, đổi tên nước gì thì đổi, nhưng 6 chữ Tiêu đề dưới Quốc hiệu thì chắc chắn là phải giữ nguyên.

B. Bàn về Quốc hiệu
Nước ta đã có bao nhiêu Quốc hiệu? Sau đây điểm lại theo quan điểm riêng của tôi:

1. Văn Lang: Các sử liệu cho đến nay đều công nhận thời kỳ Hùng vương, nước ta có tên Văn Lang. Vấn đề này tôi đã có bài bàn riêng. Các sách lịch sử của ta đều cho rằng, Văn Lang là vùng tương ứng đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ Tĩnh bây giờ. Thực ra, gần đây nghiên cứu các sử liệu, nhiều chuyên gia cho rằng, lãnh thổ Văn Lang là khu vực cư trú của các bộ tộc Việt, trong đó thủ lĩnh Hùng vương của bộ tộc Lạc Việt là hùng mạnh nhất. Như vậy, nước Văn Lang rất rộng lớn, gồm hầu hết Nam Trung Quốc, gồm 15 bộ, mà bộ Văn Lang ở Bắc Việt Nam ngày nay chỉ là 1 bộ trong 15 bộ của nước Văn Lang. Kết thúc nước Văn Lang vào năm 258 trước Công nguyên.
2. Âu Lạc: Khi bộ tộc Âu Việt đánh thắng Hùng vương cuối cùng, lập nên nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa. Người đứng đầu của Âu Việt là Thục Phán, xưng là An Dương vương. (258 tr CN – 208 trCN)
3. Nam Việt (208 trCN- 111trCN) Trong lãnh thổ của các dân tộc Việt, ở Nam Trung Hoa, nổi lên thế lực của Triệu Đà, ông này đánh thắng An Dương vương, lập ra nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Châu hiện nay). Sử gia phong kiến Việt Nam đều công nhận nhà Triệu nối tiếp Âu Lạc, nhưng hiện nay sử gia chế độ ta không công nhận. Nếu bảo Triệu Đà đánh An Dương vương mà không công nhận, thì sao An Dương vương đánh thắng Hùng vương, lại công nhận đó là “vua ta”? Thực ra, tuy Triệu Đà là người đất Hán, nhưng làm vua trên phần đất Việt cổ, đối kháng với nhà Hán. Trong nước Nam Việt, phần Bắc Việt Nam hiện nay là phạm vi Giao Châu. Sau này, nhà Triệu thất bại, bị nhà Hán thôn tính. Nếu công nhận nhà Triệu, thì các sự kiện lịch sử sẽ được sáng tỏ, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Công nhận nhà Triệu, mới giải thích được nguồn gốc dân tộc Việt hiện nay.
4. Vạn Xuân: Quốc hiệu do Lý Nam đế tuyên bố năm 544 đến năm 602 thì mất.
5. Đại Cồ Việt, do vua Đinh Tiên hoàng đặt, tồn tại từ 968 đến đời Lý Thánh tông 1054.
6. Đại Việt: Do vua Lý Thánh tông đặt. Quốc hiệu này tồn tại lâu nhất, xen kẽ một số giai đoạn ngắn đời Hồ và thời thuộc Minh. Như vậy, qua Lý, Trần, Lê, Mạc, Tây Sơn thì quốc hiệu này tồn tại 743 năm.
7. Đại Ngu. Do Hồ Quý Ly đặt, tồn tại từ 1400, đến khi nhà Hồ mất (1407). Chữ Ngu, nghĩa Hán Việt là hiền hòa, yên tĩnh chứ không phải nghĩa Nôm là ngu muội.
8. Việt Nam. Tên Việt Nam đã có dùng trong thư tịch từ thế kỷ 14, nhưng chính thức đặt tên nước, là năm 1804. Trớ trêu thay, đây lại là tên do Nhà Thanh (Trung Quốc) yêu cầu nhà Nguyễn đặt. Nguyễn Gia Long xin phong vương với nhà Thanh, đặt tên nước là Nam Việt. Tuy nhiên, nhà Thanh sợ tâm lý phục hồi nước Nam Việt của Triệu Đà, nên yêu cầu gọi là Việt Nam.
9. Đại Nam. Minh Mạng lên ngôi, năm 1820, đổi tên nước là Đại Nam, tuy nhiên, nhà Thanh không nghe. Song, nhà Thanh khi đó yếu ớt, nhà Nguyễn vẫn chính thức dùng quốc hiệu này đến năm 1945.
10. An Nam. Đây là Quốc hiệu không chính thức, do chính quyền đô hộ đời Đường bắt đầu dùng, để chỉ Việt Nam. Sau này, người Pháp cũng gọi người Việt là An Nam. Với người Việt, đó là quốc hiệu miệt thị, gắn liền với chính quyền đô hộ gọi lãnh thổ và dân bản địa. Thời thuộc Pháp, An Nam chính thức là tên chỉ Trung Kỳ, phần lãnh thổ bảo hộ của Pháp.
11. Đế quốc Việt Nam. Quốc hiệu do Chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố. Khi đó, Chính phủ Trần Trọng Kim hoạt động dưới ô bảo hộ của Nhật. Quốc hiệu này chính thức dùng từ tháng 3/1945 đến Cách mạng Tháng Tám.
12. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Tồn tại từ 1945 đến 1954 để chỉ lãnh thổ thống nhất cả nước và miền Bắc cho đến 1975. Quốc hiệu này do Hồ Chí Minh đặt.
13. Quốc gia Việt Nam. Là quốc hiệu chỉ phần lãnh thổ miền Nam và vùng do người Pháp kiểm soát, về danh nghĩa do Bảo Đại làm Quốc trưởng, từ năm 1949 đến 1955.
14. Việt Nam Cộng hòa. Sau một cuộc trưng cầu dân ý năm 1955, Bảo Đại bị phế truất, lãnh thổ phía Nam Việt Nam dưới sự quản lý của chính quyền Bảo Đại trở thành Việt Nam cộng hòa, do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống. Tồn tại đến 1975.
15. Cộng hòa Miền Nam Việt Nam: Lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam từ 1969 đến 1975.
16. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Lãnh thổ thống nhất từ 1975 đến nay
17. Sắp tới, Quốc hội sẽ đổi tên nước là gì? Theo bạn, bạn thích cái tên nào? Tôi thì tôi mong đặt tên nước là Cộng hòa Dân chủ Việt Nam

1 nhận xét:

  1. Nặc danh21:50 19/4/13

    Em sẽ cố gắng học thuộc thứ tự trước sau các tên của nước mình để còn trả lời con em. Trước đây, thỉnh thoảng nó vẫn đố em, em cũng không kể được hết và không lần lượt đúng thứ tự được. Cảm ơn nhà văn NXH.
    Còn tên nước, em muốn quay lại tên của thời
    "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
    Tây đốt mất nhà cúng cụ ngoài sân"
    Cái gì đổi đi đổi lại mãi rồi chả quay về cái ngày xưa: Mốt áo quần này, chữ viết này, âm nhạc này ..v...v...

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.