8 tháng 5, 2013

Đầu mấu

 Bố tôi đã mất từ lâu, nhưng những kỷ niệm về bố càng ngày càng tươi mới. Dường như Ông cụ vẫn sống, theo dõi sát sao cuộc sống của tôi.
Câu chuyện lạ lùng nhất mà tôi nhớ mãi là về những cái đầu mấu mía. Thời bao cấp xa xưa, thóc cao gạo kém, sản vật hiếm, các bà đi chợ mua quà thường là nắm bỏng ngô, hay cái kẹo bột, mua mía thì cũng chỉ mua một khúc dài hai gang tay. Vườn nhà tôi có khóm mía, mỗi khi chặt một cây mía, đúng là một ngày trọng đại, một ngày hội. Đó là khi có giỗ, hoặc dịp Tết, dịp hè con cháu về đông đủ. Bố tôi chặt mía, cẩn thận cắt khúc ngọn còn ít lá giâm xuống vườn. Rồi đây, chỗ này sẽ là khóm mía mới.

Khi chặt cây mía ra, một lũ trẻ con, nào con nào cháu đã hau háu đứng xung quanh. Bố tôi thường róc vỏ, tiễn mía thành những khúc to nhỏ khác nhau. Lũ nhỏ nhất thì khẩu mía chẻ tám. Lũ lớn thì chẻ tư. Đứa lớn nữa thì chẻ đôi. Còn lại một đám khúc đầu mấu trên rổ, đó là phần mía của bố tôi. Dường như thành lệ, cứ khi chặt mía, hay khi mẹ mua mía ở chợ về, là đứa nào cũng biết, phần mấu là của bố.
Hồi xưa, không biết những đứa trẻ khác thế nào, nhưng tôi thuộc loại chậm hiểu. Cứ nghĩ đầu mấu là một loại mía đặc biệt, giành cho người lớn, chính xác là để giành cho đàn ông lớn. Cứ nghĩ đại khái giống như thịt con gà, con cái thì ăn đùi, ăn lườn, còn cổ cánh để bố nhắm rượu.
Năm đi học lớp Tám ở Hưng Yên, bắt đầu xa nhà, tự lo lấy cuộc sống, khi đó mới dần dần phát hiện ra, bản chất của việc ăn đầu mấu của bố mình. Nhưng bố và con trai lớn thì không mấy khi nói chuyện với nhau được lâu, tôi càng lớn thì bố tôi càng ít nói chuyện. Đặc biệt chuyện bảo bố đừng ăn đầu mấu, thì cứ ấm ứ không thể nói ra được. Chẳng bao lâu, đến mía "thịt" không mấu, bố tôi cũng không ăn được nữa.
Những năm tháng cuối đời của Bố tôi, lại là những năm Tám mươi thế kỷ trước, đất nước xuống đáy của sự nghèo đói. Tôi còn nhớ, tôi và anh trai đạp xe ba mươi cây số từ nhà đến Hải Phòng chỉ tìm mua mấy lạng thịt bò để nấu cháo cho bố. Khi đó, mía bắt đầu trồng đại trà, nhìn mía bán đầy đường, tôi thấy cay sống mũi…
 (NXH)


4 nhận xét:

  1. Nặc danh22:03 8/5/13

    Em biết, giống mía ngày xưa dóng dài và không mềm như mía tím bây giờ. Có nghĩa là, hồi ấy, những đầu mấu mía phần của bố rất ít và rắn lắm. Nếu đầu mấu mía nhiều và mềm như mía bây giờ, thì chắc "nhìn mía bán đầy đường", sống mũi cũng đỡ cay hơn, phải không anh NXH?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc Đầu mấu của NXH làm tôi cảm động quá. Quả thực những năm cuối của thập kỷ 70 và những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ trước là như vậy đó. Tôi có may mắn một chút hơn là bố đẻ tôi và bố vợ tôi sau này nữa, đều là công chức thời đó.Mỗi lần đến cơ quan thấy các cụ ở tập thể, ăn cơm nhà bếp, món ăn đạm bạc, tôi đã nghĩ sau này cố gắng không theo nghề các Bố.Bố đẻ tôi là cán bộ và dạy cấp III, Bố vợ tôi là TP hành chính Ty bưu điện HH. Vậy mà cho đến bây giờ trong gia đình, tôi là người duy nhất đi theo nghề Bố và cũng có thời gian phải làm cái công việc mà bố vợ tôi ngày xưa đã làm.Đó là năm 2001 tôi đang là cán bộ Đào tạo được điều sang Phòng HCTC,vị trí tôi đang làm dành cho "cô bạn yêu quý" của sếp tôi. Tôi làm HCTC tới gần 5 năm đến ngày 30.4 ông ấy hưu còn tôi 1.5 năm ấy chuyển đi nơi khác. Bây giờ tôi lại làm công việc của sếp tôi ngày trước và cố gắng không lặp lại như ông. Hồi ấy tôi có làm bài thơ viết về bố vợ. Nhân đây tôi xin đăng, mong các bạn cùng trao đổi.
      BỐ VỢ VÀ TÔI: Hai ba năm con quay về nghề bố
      Ở cái thời Ty Bưu điện ngày xưa
      Mấy lần xuống tầu vào thăm Bố buổi trưa
      Cơm tập thể, cá kho tương, giường một.
      Con gái Bố, con thương yêu tha thiết
      Nét dịu dàng một thiếu nữ thôn quê.
      Chức trưởng phòng Hành chính Bố đã qua
      Con dể Bố chẳng bao giờ mơ ước.
      Đón con dể mà cơm toàn rau luộc
      Không rượu bia, uống chè mốc, thuốc lào.
      Cả cuộc đời sống liêm khiết thanh cao
      Đến lúc hưu chẳng con nào theo nghề Bố.
      Có ai ngờ bây giờ là thằng dể
      Phải trở về cái nghề Bố ngày xưa
      Tránh vỏ dưa sao lỡ gặp vỏ dừa
      Không làm thầy, sớm trở về bếp núc....
      Niềm kiêu hãnh mà con còn giữ được
      Là Tình Yêu con gái Bố dành cho
      Vị ngọt Tương Bần, rau muống, cá kho
      Bố đãi con đến bây giờ đã ngấm!

      Xóa
  2. Nặc danh09:43 9/5/13

    Ôi thời gian... Ngày xưa các thế hệ cha ông ta đã sống cần kiệm như thế nào. Hình ảnh người cha trong tâm trí tác giả thật sự rất xúc động.

    Trả lờiXóa
  3. Các bạn lưu ý năm 2013 Ngày của Mẹ là ngày 12/5 và Ngày của Cha là ngày 17/6 nhé. Còn 2 ngày nữa là đén Ngày của Mẹ rồi, ai có bài viết kể về mẹ mình thì gửi đăng lên blog đi (NCT)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.