1 tháng 9, 2013

Thơ của "Chàng ca sĩ đau khổ đắm say"

Càng gần tới mốc 100.000 lượt truy cập, BlogE càng nhận được sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều bạn sau khi tiếp cận với Blog của chúng ta đã mau chóng trở thành cộng tác viên, gửi bài đăng tới BBT. Tiếp theo Mai Hương, Hải Yến, Hoài Thu, Cù Thùy Loan, Nguyễn Văn Trụ, Trần Đông Phong, Thu Hương, Chử Thu Hằng, hôm nay chúng tôi nhận được bài gửi đăng của thầy giáo Nguyễn Văn Song (nick name Tuấn Anh) - "Chàng ca sĩ đau khổ đắm say" mà Hải Yến đã giới thiệu trong bài TRÍCH NHẬT KÍ ĐỂ NGỎ NƠI SÓNG TRÀO (xem TẠI ĐÂY). Lần đầu tiên giới thiệu thơ của Nguyễn Văn Song, BBT hy vọng bạn đọc sẽ nhiệt tình đóng góp ý kiến để bạn Song hoàn thiện thêm kỹ năng sáng tác của mình, có nhiều tác phẩm mới và hay phục vụ bạn đọc. (BBT)
Em là Song đây ạ. Như đã hứa với các anh chị, em sẽ gửi thử một bài thơ ra mắt Blog. Em rất mong anh chị xem xét và góp ý cho em. Lần này là một bài thơ viết về nỗi niềm của một người xa quê là em.

NỖI NIỀM XA QUÊ

Dòng đời như nước cuốn trôi
Ta thành lữ khách xa rời bến quê
Bao năm xuôi ngược mải mê
Vẫn luôn đau đáu nẻo về chốn xưa
Tháng giêng lất phất bụi mưa
Nhớ hoa xoan rụng nhặt thưa ngõ nhà
Thoáng nhìn một dáng người qua
Cồn cào nhớ dáng mẹ già thân thương
Giỗ cha ở chốn tha phương
Tâm thành thắp một tuần hương, cúi đầu
Biết cha chẳng trách con đâu
Mà sao vẫn thấy lòng đau, quặn lòng
Bước chân ở chốn phiêu bồng
Mà hồn vẫn thả giữa đồng quê hương
Dẫu đi xuôi ngược mười phương
Vẫn không quên được con đường về quê.
                                       Nguyễn Văn Song

Mời các bạn thưởng thức bản hòa tấu Hình bóng quê nhà để chia sẻ nỗi niềm với thầy giáo Song nhé

 


41 nhận xét:

  1. Nặc danh18:38 1/9/13

    Bài thơ mượt mà trữ tình, thấm đẫm tình quê, gợi buồn gợi nhớ.
    Một chút cô đơn của lữ khách. Một chút đau của người con tha hương. Và rất nhiều tình yêu với cảnh, với người từ nơi xa hướng về quê cha đất mẹ.
    Chắc nhiều người đã ở trong tâm trạng của Song. Trong đó có tôi.
    (Hoài Thu)

    Trả lờiXóa
  2. Bài thơ có tình cảm và gây ấn tượng với người đọc, nhưng nếu bỏ đi hai câu cuối thì sẽ "thơ' hơn. Câu thơ: "Bước chân ở chốn phiêu bồng/ mà hồn vẫn thả giữa đồng quê hương" thật hay, như tiếng chuông ngân nga khi bài thơ kết thúc làm người đọc cứ vương vấn mãi. Tác giả thêm 2 câu cuối đã quá nhàm cũ, bởi trong ca dao, trong nhiều bài thơ trước đây đã có nhưng câu tương tự. Đặt hai câu này vào cuối giống như chèn một vật nào đó vào chuông làm cho tiếng chuông đang ngân nga bỗng bị chẹn lại.Nhà thơ phải để cho người đọc được suy ngẫm thêm khi bài thơ kết thúc, không nên nói toạc ra hết, bởi nói hết thì chẳng còn thơ nữa. Mấy lời góp ý cùng tác giả (BBT)

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh20:12 1/9/13

    Thầy Song có trong thành phần đoàn Hưng Yên dự lớp Sen Hồng. Qua bài thơ này, tôi hiểu rằng thầy không phải quê Hưng Yên có đúng không ạ?

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh20:58 1/9/13

    Có một anh E đã nhận xét về bài của Song đầu tiên lúc hơn 13 giờ gì đó. Sao BBT chuyển bài lại không chuyển comment lên nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng tôi không muốn xóa nhận xét có bài thơ của thầy Song nên không chuyển nhận xét của bạn E đó đi ND20:58 ạ (BBT)

      Xóa
  5. Tôi quê ở Đông Anh- Hà Nội. Tôi xa quê từ năm 17 tuổi, tứ xứ giang hồ kiếm sống bằng nghề chạm trổ. Năm. Năm 22 tuổi mới quay về thi Đại học. Tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội năm 2000, không xin được việc ở quê nên xin dạy học ở Phù Cừ, cách nhà 80 km. Cảnh xa quê có nhiều nỗi niềm, viết vội thành mấy câu quê kiểng. Rất mừng là đã được các anh chị động viên. Xin cảm ơn chị Hoài Thu, cảm ơn BBT và mọi người. Tôi rất tâm đắc lời bình của chị Hoài thu và của BBT. BBT nói rất đúng về 2 câu cuối. Lúc đầu tôi đã dừng lại rồi, nhưng thấy vần dễ dàng đến nên tiếc rẻ viết thêm. Bản thân tôi cũng thấy 2 câu cuối quen, cũ và nhạt. Nếu được viết lại, tôi sẽ bỏ 2 câu cuối và thay đổi 1 vài chữ nữa. Xin trân trọng cảm ơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin tặng Thầy Song và các bạn bản nhạc Hình bóng quê nhà để cùng nhau chia sẻ nỗi niềm của những người xa quê hương nhé. Chúng tôi rời quê hương để xây dựng Thủ đô Hà Nội, còn Song lại phải rời Hà Nội để đến xây dựng quê hương chúng tôi. cảm ơn bạn rất nhiều. (NCT)

      Xóa
  6. Nặc danh22:07 1/9/13

    Bài thơ của "chàng ca sĩ đau khổ đắm say" thật hay. N22 định viết một bài bình dài - dài như N22 vẫn từng viết trên blog E - về bài NỖI NIỀM XA QUÊ. Nhưng N22 lại "dỗi" rồi. Dỗi như N22 vẫn từng "dỗi" thế. Dỗi với ai ư? Với BBT ạ!
    Vì sao ư? Vì BBT mải mừng với con số 100.000 lượt truy cập, mải vui với những cộng tác viên mới sáng dẹp long lanh của blog, mà quên phắt rằng, chính N22 là cộng tác viên đầu tiên được các anh E mời cộng tác, là người đầu tiên gửi bài của mình đăng blog E. Chắc BBT còn nhớ những bài thơ "Phút cuối", "Anh đừng nhìn em" từng gây xôn xao dư luận một thời chứ ạ? (Anh NCT còn có thơ phúc đáp, anh VĐT còn có thơ đáp lễ nữa mà! Các anh chóng quên thật.)
    Nhưng khi BBT kể tên hàng loạt cộng tác viên của blog E, thì cộng tác viên "lão thành" nhất là N22 em có được nhắc đến đâu ạ! Chắc bởi em "già" quá rồi! Muốn khóc quá. Muốn khóc như "ngày xưa"!
    Dỗi rồi, nên em không đăng lời bình thơ hôm nay nữa!
    (N22)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thành thật xin lỗi N22. BBT đúng là có thiếu xót lớn khi quên nêu danh bạn vào danh sách cộng tác viên và có thể là một số bạn khác nữa mà chúng tôi không nhớ. Xin các bạn thứ lỗi vì con người ai cũng có thiết sót cả, không lúc này thì lúc khác. Chúng tôi sẽ gửi tới các bạn một bài thơ tình mới của nhà thơ NCT vào ngày mai thay cho lời xin lỗi của mình (BBT)

      Xóa
  7. Nặc danh22:30 1/9/13

    Nhà thơ NCT có thơ tình thì cứ đăng thôi ạ, chẳng liên quan gì đến sự việc quên nhớ hôm nay mà thay lời xin lỗi. Có một điều chắc chắn rằng: Sẽ không có lời bình nào của N22 cho bài thơ ấy cả!
    (N22)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh22:46 1/9/13

      N22 Dỗi, vì nghi nghờ BBT có mới nới cũ ...

      Xóa
    2. Sao N22 lại có thể phản ứng thái quá với BBT blogE thế nhỉ? Chắc có anh nào trong BBT để lộ gót chân ASIN để nàng nắm được "thóp" rồi. Tôi thấy có phải bài thơ nào N22 cũng bình đâu mà cô ấy phải đe dọa ngày mai "sẽ không có lời bình nào của N22 cho bài thơ ấy cả". Nghe đồng bóng quá!

      Xóa
    3. Nặc danh23:20 1/9/13

      Tôi ủng hộ ngươiyeu8e9e10e, quên luôn cái cô N22 này đi, chứ không phải chỉ quên vì "con người ai cũng có lúc thiếu sót" đâu. Có phải bài nào cô ấy cũng bình nổi đâu. Có bình thì cũng có gì hay đâu. Thiếu gì người bình thơ hay ở blog này: Hải Yến này, thichdoctho này, sắp tới hẳn sẽ là Thu Hương, Thu Hằng, Hiền Mai này ...
      Cô N22 ấy "dọa" ai cơ chứ? "Nghe đồng bóng" thật!

      Xóa
    4. Nặc danh08:38 2/9/13

      N22 có dỗi ai trong BBT thì cũng đừng bức xúc thế em ạ, BlogE là sản phẩm của cả tập thể lớn và như em thấy đấy, càng ngày càng nhiều độc giả, nhiều cộng tác viên nhiệt huyết vô tư, mặt khác N22 lại là cô giáo, không nên phản ứng một cách thái quá; hôm nay chưa được kể tên, được động viên thì ngày mai cũng được có sao đâu, đừng đánh mất đi hình ảnh N22 trong lòng độc giả BlogE bạn nhé.

      Xóa
    5. Nặc danh08:47 2/9/13

      "Mất" rồi còn đâu nữa mà "đừng". Mất ngay trong trí nhớ của BBT đấy thôi! Tôi mà là N22, tôi "biến" từ lâu rồi, từ những lần những lời bình thơ đầy "nhiệt huyết vô tư" bị chê là lời bình của "cô giáo làng dai dài như chão" cơ!
      Mà N22 đã bao giờ giới thiệu mình là cô giáo như HY, Nguyễn Văn Song ... đâu nhỉ, mà hơi một chút là mọi người cứ đem hình ảnh "cô giáo" ra để "răn". Ở blog này, chẳng ai là cô giáo của ai cả!

      Xóa
    6. Nặc danh08:52 2/9/13

      Ôi, cô giáo mà còn thích khen thế , thảo nào cậu út nhà mình được điểm 10 háo hức về khoe với bố, chưa được bố động viên mà mặt cu cậu đã xị ra rồi, nhà mình rút kinh nghiệm ngay nhé...

      Xóa
    7. Nặc danh09:42 2/9/13

      N22 đừng buồn nữa. BBT có thể mải vui mừng vì có nhiều CTV mới sáng giá. Nhưng độc giả yêu mến blog E thì chẳng bao giờ quên những lời bình thơ bay bổng của bạn. Thêm nữa, còn yêu cả tính nhẫn nại của bạn. Dù không ít những lời đã "gai", bạn vẫn không bỏ những bài thơ trên blog E mà.
      Thiếu bạn, diễn đàn thơ blog E chắc sẽ vắng biết bao.

      Xóa
    8. Nặc danh09:43 2/9/13

      Hậm hực làm chi
      dận dỗi được gì
      Em ơi đừng khóc
      Tiếp tục bình thơ!

      Xóa
    9. Nặc danh09:47 2/9/13

      Ở cơ quan tôi gọi hành động như của N22 là tự kiêu, tự đại, ngạo mạn và chẳng ai muốn chơi./.

      Xóa
    10. Nặc danh10:45 2/9/13

      Mình lại thích một N22 như thế, đầy cá tính, rất gây sự chú ý. Bạn ND 09:47 nói rằng chẳng ai muốn chơi với người "tự kiêu, tự đại, ngạo mạn" như N22, nhưng tôi thấy bạn lại quan tâm, thích "theo dõi" cô ấy nhất.
      Thế thực sự bạn thích người phụ nữ như ai ở blog này bộc lộ qua văn chương? Dịu dàng tình cảm như Mai Hương? Hay hóm hỉnh và đầy nội tâm như Hải Yến? Hoặc toàn là buồn đau, nước mắt như Thùy Loan, Thu Hằng? Mơ mộng như Thu Hương?
      N22 là người khi đã xuất hiện thì rất nhiều người yêu bên cạnh không ít người ghét ghen.

      Xóa
  8. Bài thơ của anh hay nhưng buồn, thậm chí là rất buồn. Cả bài có 16 dòng thì có tới 11 từ, cụm từ thể hiện nỗi buồn, khiến cho cả bài bao trùm cảm giác buồn. Ẩn sau cái buồn ấy là nỗi cô đơn trống trải, nỗi nhớ thương nghẹn ngào của người xa quê với con người và cảnh vật nơi quê.

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh11:32 2/9/13

    Gửi chị Mai Hương!
    Trong số những cộng tác viên của blog e,em chỉ thích đọc bài của chị Mai Hương thôi. Tuy không biết chị MH là ai nhưng em thấy thế này.
    1. Chị rất đàng hoàng, khi anh NXH tặng sách, chị cho địa chỉ thật và mọi người thấy rõ chị là ai, ở đâu. Đó là người có ý thức nghiêm túc với sân chơi "mạng ảo".
    2. Những bài viết chị gửi lên blog e đều là những bài "rất văn" vượt xa những bài viết văn nghị luận thông thường của một cô giáo dạy văn phổ thông. Em cũng đọc khá nhiều tác phẩm của nhiều nhà văn nhưng em thấy rất thích những bài viết của chị. Bài viết về mẹ hay về bạn chị em đọc rất xúc động, nó vừa văn nhưng vừa đời thường khiến cho người đọc thấy được tình cảm chân thành của người viết gửi vào tác phẩm của mình.
    3. Chị không có những nhận xét tùm lum tùm la như một số đọc giả yêu blog e, có nhiều người đọc blog e rồi chỉ rình comment châm chọc đả kích người khác, cũng có những độc giả thì lại thể hiện hơi tình cảm thái quá. Chị yêu blog e và chị đã thể hiện đúng mực của một cô giáo.
    Đợt tới có dịp em vào SG và sẽ đi Vũng Tàu chơi, hi vọng chị em mình có thể gặp nhau caphe chém gió được nhỉ?
    Em: Trang Hà.

    Trả lờiXóa
  10. Nặc danh13:46 2/9/13

    Trang Hà thân mến!
    Hãy cho mình xưng hô như một người bạn thế này cho thân thiện, bạn nhé. Tuy bây giờ mình mới thấy tên của Trang Hà, nhưng mình tin bạn là độc giả thường xuyên của blog E, bởi qua những nhận xét của bạn về bài của mình, mình thấy rõ điều đó.
    Chẳng ngày nào mình không đọc blog E, nhưng đúng là mình comment không nhiều. Chỉ thỉnh thoảng thôi: Thỉnh thoảng gửi bài, thỉnh thoảng nhận xét. Bởi mình thích đọc những nhận xét của mọi người.
    Trang Hà đừng quá phân vân về những comment trái chiều hoặc tình cảm có thái quá một chút. Đó cũng là lẽ thường trong cuộc đời và cũng là quyền tự do ngôn luận. Tất nhiên, nếu ai đó nói lên ý mình mà xúc phạm người khác, thì mình nghĩ điều đó là không nên. Có muốn đề cao mình thì không có nghĩa là phải hạ thấp người khác, chắc bạn đồng ý với mình về điều này.
    Có những bạn không cho địa chỉ thật trên blog, mình nghĩ họ cũng không phải là người thiếu nghiêm túc đâu. Chắc là họ muốn giữ một chút bí mật cho mình, và sẽ nói thật vào một lúc thích hợp mà thôi!
    Mình rất vui nếu bạn đi SG, VT chơi và có nhã ý caphe cùng mình. Ta sẽ liên lạc sau nhé. Nhưng nếu gặp, bạn đừng quá thất vọng khi thấy mình nói nhiều hơn trong những bài văn.
    (Mai Hương)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh15:39 2/9/13

      Hi chị Hương!
      Em cũng thường xuyên đọc blog e và cũng rất ít comment. Đối với em văn là người, khi mình đã viết tức là nói cái gì mình nghĩ. Văn hóa của mỗi người cũng ít nhiều thể hiện qua lời nói hoặc việc viết lách. Dù là mạng ảo thì cũng nên thể hiện một cách có văn hóa phải không chị vì dù sao đây là trang blog mà độc giả biết rất rõ họ là ai.Nếu em tiện vào Vũng Tàu được thì chúng ta liên lạc nhé, chắc chắn chị sẽ bất ngờ hơn em. Em chắc chắn ít tuổi hơn chị nhiều (không khéo chỉ bằng tuổi con lớn của chị thôi). Email của em: hatrang30_53@yahoo.com.vn

      Xóa
  11. Nặc danh14:06 2/9/13

    Có gì mà bạn ND 10:45 phải hỏi rằng bạn ND 09:47 thích mẫu phụ nữ nào? Tôi thấy rất rõ: Bạn ấy thích mẫu người như chính bạn ấy: Chỉ quen chê và quy kết người khác.

    Trả lờiXóa
  12. Nặc danh21:59 2/9/13

    “Chàng ca sĩ đau khổ đắm say” Nguyễn Văn Song thân mến!
    Hôm qua, đọc NỖI NIỀM XA QUÊ của bạn, mình đã rất muốn viết một lời bình dài. Đó là niềm đam mê của mình mà! Nhưng vì tối qua mình còn bận viết bài cho sếp sắp đi phát biểu ở một hội nghị lớn, nên chưa viết được lời bình như mong muốn. Thế nhưng mình lại muốn nhiều người vào đọc bài thơ của bạn, nên phải nghĩ ra cách PR bài thơ của bạn, cũng là tự PR mình, bằng mấy lời “giận dỗi” đó thôi!
    Bạn mới vào blog E nên có lẽ chưa biết, mình là cộng tác viên của blog từ rất lâu rồi, nếu không nói là người đầu tiên, ngoài các anh lớp E, có bài đăng trên blog E. Khi xưa đăng bài (bây giờ thì mình chỉ bình thơ thôi vì có thêm nhiều người đăng bài mới quá rồi), mình thường có vài “chiêu” câu độc giả bằng việc tạo “scandan” gây “sóng”. Khác với nơi khác, các anh lớp E thích làm thơ nên Blog này quá nhiều thơ. Nếu thiếu những lời bình, thì thơ sẽ rất ít người đọc. Có mấy cây bút văn xuôi như anh NXH, MH, HY …, thì rất nhiều người thích đọc rồi, không cần mình PR. Vả lại, bình văn không phải thế mạnh của mình.
    Có lẽ mình đã làm cho bạn ngại từ hôm qua đến giờ, vì số comment “ném đá” N22 còn nhiều hơn số comment bài thơ của bạn. Trước giờ vẫn thế mà. Mình chỉ bình thơ và trò chuyện, vậy mà khối lần vẫn bị “ném đá”. Nhưng không sao, mục đích của người làm báo (mình đang tập làm báo) đã đạt được. Để mọi người đọc bài của bạn nhiều, để bài của bạn xuất hiện trong mục “Bài xem nhiều nhất”, thì mình có bị “ném đá” nhiều hơn một chút cũng có sao đâu! Và có lẽ, giỏi dùng chiêu “câu” độc giả đọc bài, mình chỉ thua anh thi sĩ họ Ngô thôi! (Mình nói câu này, thế nào cũng lại có người tức tối “ném đá” tiếp, bảo mình “kiêu căng, tự cao, tự đại, chẳng ai chơi”. Nói nhỏ thêm nhé: Mình có rất nhiều bạn xa gần chơi đấy! Ai thích tức tối thì chỉ chóng già. Mà phụ nữ chóng già thì người buồn lại …là chồng!)
    Và để tiếp tục PR, mình sẽ đăng lời bình bài thơ của bạn ngay đây. Hy vọng, mai sẽ thấy bài của bạn là bài được nhiều người xem nhất!
    Đó là cách riêng để thể mình hiện tình yêu của mình với blog E.
    Mong được tiếp tục đọc thơ của bạn.
    (N22)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh22:00 2/9/13

      BÀI THƠ CHẤT CHỨA NỖI NIỀM
      (Lời bình của N22)


      Tình yêu quê hương, nỗi niềm xa xứ … luôn là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của thi ca kim cổ đông tây. Bởi vậy, NỖI NIỀM XA QUÊ của “Chàng ca sĩ đau khổ đắm say” không phải là bài thơ nói về một điều hoàn toàn mới lạ. Nhưng nằm trong mạch cảm xúc chung ấy, bài thơ của tân thi sĩ blog E Nguyễn Văn Song vẫn có những cách nói rất riêng. Có thể, những cái riêng ấy không quá nhiều. Nhưng cũng đủ để người đọc bài thơ nhận ra hình bóng một quê hương riêng, nhận ra tâm sự của một nỗi niềm riêng, không hề bị trộn lẫn.
      Mở đầu bài thơ là những dòng tự sự về hoàn phải xa quê:
      “Dòng đời như nước cuốn trôi
      Ta thành lữ khách xa rời bến quê
      Bao năm xuôi ngược mải mê
      Vẫn luôn đau đáu nẻo về chốn xưa”
      Hẳn chẳng ai muốn phải thành “lữ khách” nơi xứ người, để rồi tháng qua năm lại, lúc nào lòng cũng “luôn đau đáu” hướng về quê cũ. Để rồi lúc sống không về được, thì đến khi nhắm mắt xuôi tay, sẽ dặn cháu con bằng giá nào cũng phải đem được mình về. Đúng vậy, chỉ có thể là do những biến cố của “dòng đời” xô đẩy. Đôi khi là do những tham vọng quá lớn trong cuộc đời. Nhưng nếu do tham vọng, thì người xa quê không mang nỗi niềm “đau đáu” ngay khi vừa xa quê như thế! Vậy nên, ta hình dung lí do phải xa quê của chàng trai xưng “ta” trong bài thơ là hoàn cảnh cực chẳng đã phải như vậy mà thôi. Từ đó, một nỗi cô đơn của người xa xứ cứ man mác buồn thương phủ đầy khắp nẻo xứ người.
      Và khi “đau đáu” hướng về quê nhà, thì quê hương trong tình thương nỗi nhớ bao giờ cũng hiện ra trong tâm trí người xa quê với những nét riêng nhất mà có thể không cần nhiều câu chữ. Tế Hanh có bài QUÊ HƯƠNG thật hay, viết khi là chàng trai 17, 18 tuổi xa quê. Ở đó, làng chài ven sông Trà Bồng, Trà Khúc với cảnh, với người hiện lên thật thơ mộng, sáng trong. Nhưng có thể nhiều người dân miền biển xa quê cũng mượn lời Tế Hanh để nói nỗi lòng mình thế được. Còn cảnh và người quê hương trong tình thương nỗi nhớ của “ta” trong “Nỗi niềm xa quê” vừa chung lại cũng thật riêng, không hề lẫn.
      Nhớ cảnh, ấy là:
      “Tháng giêng lất phất bụi mưa
      Nhớ hoa xoan rụng nhặt thưa ngõ nhà …
      … Bước chân ở chốn phiêu bồng
      Mà hồn vẫn thả giữa đồng quê hương”
      Chỉ vài nét thôi, đủ thấy quê hương của chàng trai (có lẽ cũng 17, 18 tuổi chăng?) là một làng quê đồng bằng Bắc bộ. Nơi có một mùa thật rõ nét Xuân. Nơi có ngõ làng quanh co rắc đầy hoa xoan tím. Nơi có những cánh đồng bát ngát mênh mông để hồn “thả” về trong nỗi nhớ, như ngày xưa “ta” vẫn thường chạy mỏi chân theo những cánh diều.
      Nếu nhớ cảnh quê, “ta” mới chỉ nhớ những nét chung của quê mình, giống như nhiều người từng nhớ, cũng đã làm xúc động lòng người đọc, thì khi nhớ về người quê, đó thực sự là một nỗi nhớ rất riêng: Nhớ mẹ, nhớ cha.
      Đúng là, đã có nhiều người từng nói về nỗi nhớ quê. Đúng là, cũng rất nhiều người bày tỏ tình yêu của mình với công cha, nghĩa mẹ. Nhưng lồng tình quê với tình yêu cha mẹ, đặt tình yêu với cha mẹ như tâm điểm của tình quê, thì lúc này, đọc thơ của chàng ca sĩ “Trăng khuyết” ở lớp SEN HỒNG, tôi mới thực sự thấy rõ cách nói này. Nhớ mẹ đến mức:
      “Thoáng nhìn một dáng người qua
      Cồn cào nhớ dáng mẹ già thân thương”.
      Trong nỗi nhớ về bóng dáng mẹ già đến cồn cào bỏng cháy ấy, có một chút tự hờn giận, tự trách mình. Tự trách vì hàng ngày không thể phụng dưỡng tuổi già của mẹ. Để dáng mẹ ngày một mỏi mòn theo những tháng năm qua.

      Xóa
    2. Nặc danh22:01 2/9/13

      BÀI THƠ CHẤT CHỨA NỖI NIỀM (tiếp)
      (Lời bình của N22)



      Nhưng, cả bài thơ, tôi ấn tượng nhất với cách nói về nỗi nhớ cha mình của Song:
      “Giỗ cha ở chốn tha phương
      Tâm thành thắp một tuần hương, cúi đầu
      Biết cha chẳng trách con đâu
      Mà sao vẫn thấy lòng đau, quặn lòng.”
      Còn nỗi xót xa, đau đớn nào hơn nỗi đau của người con trai khi mà ngày giỗ cha không về quê được, phải thắp hương bái vọng hồn cha ở chốn tha hương? Thế, nên dẫu biết rằng vong linh cha hiền “chẳng trách” mình, vì cũng như lúc còn sống, cha luôn hiểu và cảm thông với mình, thì nỗi đau “quặn lòng” như tiếng khóc nghẹn không cất thành lời của chàng trai xa xứ trong ngày giỗ cha vẫn làm rưng rưng lòng người đọc. Cái dáng đứng “cúi đầu” thắp hương bái vọng của người con trong bài thơ, cứ làm tôi nhớ đến cái “cúi đầu” của một chàng trai xa xứ khác cũng đang nhớ quê hương:
      “Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương”
      (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương” (Tĩnh dạ tứ - Lý Bạch).
      Không thể làm một việc so sánh cái “cúi đầu” của Tiên thơ Lý Bạch đời Đường với cái “cúi đầu” của chàng trai Hà Nội. Nhưng ai chẳng nhìn thấy một điểm gặp nhau là nỗi nhớ bỏng cháy trong lòng? Và nếu nỗi nhớ “cố hương”, nơi có núi Nga Mi của chàng trai họ Lý xưa quá trừu tượng do cách nói cô đọng của Đường thi, thì nỗi nhớ của chàng trai Hà Nội khi nhớ quê, ở những lời thơ này, lại hướng đến một đối tượng thật cụ thể: Vong linh cha trong ngày giỗ. Thế, nên cái “cúi đầu” ở đây không chỉ là sự tưởng nhớ hương hồn cha. Nó còn là nỗi đau dằn vặt đến vò xé tâm can, là nỗi day dứt, là tiếng khóc cha đến lặng người của người con trai hiếu thảo không về được trước bàn thờ cha trong ngày giỗ của người.
      Thể thơ lục bát làm bài thơ của Nguyễn Văn Song phảng phất hơi thở của ca dao. Có thể cũng còn một vài câu vẫn hơi sáo mòn xưa cũ. Nhưng tôi nghĩ, cũng là bởi bài thơ nói về một tình cảm quá quen thuộc mà thôi. Một hình bóng quê hương, cha mẹ … rất chung mà rất riêng. Một nỗi nhớ niềm thương làm ta xúc động đến nghẹn ngào, lẫn trong một nỗi cô đơn man mác của chàng trai nơi xa xứ … Tất cả đã làm nên một tấm lòng chàng trai Hà Nội xa quê thật đáng trân trọng biết bao.
      Đọc NỖI NIỀM XA QUÊ của Song, tôi có thể hiểu được, tại sao chàng trai nhạy cảm này lại hát “Trăng khuyết” hay đến thế như lời Hải Yến.
      (N22)

      Xóa
    3. Em cảm ơn N22 đã bình bài thơ của em rất chi tiết và sâu sắc. Em nghĩ thơ của em còn đơn giản, mộc mạc, chưa thật xứng với lời bình của chị N22 rất nhiều.

      Xóa
    4. Nặc danh15:50 3/9/13

      Các cụ nói không sai rằng: Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu; các anh giỏi thật vừa "ném đá" là trúng liền...

      Xóa
    5. Nặc danh17:04 3/9/13

      Công nhận là mấy anh này "ném" giỏi! "Cơi đựng trầu" N22 vừa "đặt rọ" là cả một hàng "giếng khơi" thi nhau "ném đá" vào. Rồi anh nào cũng "tự sướng' khen mình ... Chắc mấy chàng "ném đá" này ngày xưa đi chăn vịt "siêu sao" lắm đây!

      Xóa
  13. Nặc danh09:53 3/9/13

    Song ơi, bài của em hiện ở mục "Bài xem nhiều nhất rồi"! Em phải cảm ơn chị N22 bằng một tác phẩm thứ hai đăng blogE đi, em ạ!
    (Hải Yến)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HY lại PR rồi, TRÍCH NHẬT KÝ NƠI SÓNG TRÀO còn đúng trên bài của thày Song !

      Xóa
  14. Tôi đã có những thiện cảm với N22, phần vì N22 cùng với Thichdoctho... là những cây bút phê bình đầu tiên của BLOGE, N22 có nét sâu sắc, mặn mà... Nhưng sáng hôm qua, khi thấy N22 "Dỗi" thì tôi hơi thất vọng. Nhưng hóa ra bạn PR (!). Mong rằng bạn cũng như các độc giã và những nhà phê bình khác hãy mãi là những người bạn thân thiêt của BLOGE !

    Trả lờiXóa
  15. Tôi vốn là một người làm Toán, am hiểu về thơ văn rất ít, nhưng khi đọc bài thơ của anh tôi thấy thực sự xúc động và muốn chia sẻ những cảm xúc với anh. Tôi quen anh trong một chuyến tập huấn tại Nghệ An. Thời gian gặp nhau ngắn nhưng anh để lại trong tôi khá nhiều ấn tượng. Anh thật giản dị, dễ gần, mộc mạc, lãng mạn, … và đầy nghị lực. Trước khi làm giáo viên, rồi quản lý GD anh đã từng là người thợ thổi hồn cho gỗ (17 tuổi anh đã phải vào Nam làm nghề điêu khắc gỗ). Tình yêu với văn chương đã đưa anh đến với ngành SP Văn và anh đã thành công trong sự nghiệp trồng người. Cuộc sống đỡ vất vả hơn, nhưng trong anh vẫn canh cánh những nỗi niềm của một người xa xứ.
    Bài thơ “Nỗi niềm xa quê” đã nói thật rõ lòng anh.
    Dòng đời như nước cuốn trôi
    Ta thành lữ khách xa rời bến quê
    Bao năm xuôi ngược mải mê
    Vẫn luôn đau đáu nẻo về chốn xưa
    Chẳng ai muốn rời xa quê hương mình nhưng vì cuộc sống mà vẫn phải “….. xa rời bến quê”. Nhưng dù có ở nơi đâu thì quê hương vẫn là một bến đậu với tiếng mời gọi tha thiết. Nỗi đau đáu với quê hương nguồn cội đã đưa anh về với những ký ức tuổi thơ .
    “Tháng giêng lất phất bụi mưa
    Nhớ hoa xoan rụng nhặt thưa ngõ nhà”
    Có lẽ đọc hai câu thơ này, ai cũng thấy có tuổi thơ mình trong đó. Tuổi thơ của tôi là những mùa hoa xoan nở tím cả một góc vườn, tím cả đường đi, lối ngõ. Hoa xoan rụng xuống cho những chùm quả non lớn lên. Bọn trẻ con chúng tôi thường lượm những quả xoan rụng và chơi đủ thứ trò. Bắn ống Top mà có quả xoan thì tiếng nổ hay phải biết. Một chi tiết "hoa xoan rụng" mà khơi gợi bao kỉ niệm của tuổi thơ đồng bằng Bắc bộ.
    Tôi đã từng đọc “Quê hương” của Đỗ Trung Quân, hay “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh. Trong những bài thơ ấy cũng ăm ắp những kỷ niệm tuổi thơ. Nhưng quê hương trong bài thơ này của anh không hẳn chỉ là những ký ức tuổi thơ mà còn có nỗi nhớ mẹ già đã hơn 80 tuổi. Đọc những câu thơ
    “Thoáng nhìn một dáng người qua
    Cồn cào nhớ dáng mẹ già thân thương”
    tôi thực sự xúc động. Cách dùng từ “thoáng nhìn”, “cồn cào” càng làm cho nỗi nhớ trở nên mãnh liệt hơn, nó như cuốn người đọc vào nỗi nhớ ấy. Chỉ "thoáng nhìn" mà lòng đã cồn cào mong nhớ chứng tỏ hình ảnh người mẹ quê kia luôn thường trực trong tâm hồn của đứa con viễn xứ. Anh là người con rất có hiếu. Mặc dù bận rộn với công việc đầu năm ở trường, nhưng ngày nghỉ 2/9 anh vẫn giành thời gian ít ỏi để về thăm quê, thăm mẹ. Bài thơ được viết khi anh về Vân Hà – Đông Anh quê anh hôm vừa rồi.
    Trong những lần trò chuyện, anh nói với tôi, bố anh mất đã lâu. Khi còn sống, cụ là người rất tuyệt vời, luôn hiểu, thông cảm và là chỗ dựa cho anh. Công việc bộn bề, có lúc ngày giỗ cha anh không về được. Làm giỗ cha, đứng thắp hương mà trong lòng anh cảm thấy rất xót xa. Dẫu biết rằng “cha chẳng trách” nhưng anh vẫn thấy ân hận, dằn vặt. Đọc những câu thơ tôi thấy như anh đang khóc mà tiếng khóc không thành, tiếng khóc âm thầm lặn vào trong sâu thẳm tâm tư:
    Giỗ cha ở chốn tha phương
    Tâm thành thắp một tuần hương, cúi đầu
    Biết cha chẳng trách con đâu
    Mà sao vẫn thấy lòng đau, quặn lòng
    Trong cái "cúi đầu" câm lặng kia, tôi như thấy được nỗi ân hận, xót xa , nỗi cô đơn, tủi hờn, tự giận, tự trách, niềm yêu kính cha vô ngần của một người con xa xứ.
    VAN

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh14:36 3/9/13

      Văn đó hả, mới vào đọc blogE, sao không chào chị Hải Yến một câu, bởi chú mình cũng là nhân vật trong bài ký (2) của chị đó thôi! Hãy đón đọc bài ký (3) trên blog này, khi đó, chú mình hãy comment nhiều vào đấy. Từ hôm đó về có luyện bơi không? Đi Cửa Lò có mỗi chú mình là "lãi" nhất: Học bơi không mất tiền. Chị thì chỉ được mấy bài ký thôi! Nếu có dịp gặp chồng chị, cả Song và Văn nhớ đừng kể chuyện ANH THẦY đấy, không thì chị sẽ "ăn đòn" no nê!
      (Hải Yến)

      Xóa
    2. Em chào chị HY! Em cũng mới được biết đến BlogE khi anh Tuấn Anh giới thiệu bài ký của chị, và giờ đang chờ đón bài thứ 3 đấy. Chuyện bơi lội nói ra đây ngại chết!
      Từ hôm về đến giờ em vẫn liên lạc với anh em đoàn HB, họ ngưỡng mộ chị và anh Tuấn Anh lăm. Họ cũng chờ bài thư 3, thứ 4 của chị đấy.
      Hẹn gặp chị trong chuyến đi CN tới.
      Em Văn

      Xóa
    3. Nặc danh13:57 4/9/13

      Bài ký thứ ba, thứ tư cứ từ từ nhé. Mấy hôm nay còn nghe thơ đã. Và đặc biệt nghe là những comment. Vào blogE đọc khác hẳn các nơi khác ở những lời nhận xét đấy. Blog khác cũng có nhận xét, nhưng thường là những câu quá ngắn, ý luận bàn ít. Còn ở đây, em sẽ thấy được khối điều từ những comment, hay không kém gì bài mới đâu!
      Có điều, em mới vào thì cứ "dựa cột mà nghe" đã. Chị vào đây lâu rồi, mà những đợt "sóng" như mấy ngày qua cũng chưa đủ bản lĩnh tham gia. Nghe thôi, đừng sợ. Mọi người tranh luận để đi đến chân lý thôi mà! Mâu thuẫn là động lực của sự phát triển đấy thôi.
      Chú mình vẫn liên lạc với đoàn Hoà Bình à, thế đã giới thiệu với họ blog E chưa? Phải xin ý kiến BBT đã đấy.
      Chuyến đi CN tới phải nghiêng ngả như đêm giao lưu lớp Sen Hồng đấy nhé. Và chị HY hy vọng sẽ lại có thêm một bài ký nữa đăng blog E.
      (Hải Yến)

      Xóa
    4. "Nghe" những lời dặn của "bà chị" với cậu em mà tôi thấy thích thú!

      Xóa
    5. Hải Yên PR rất tốt cho BlogE. Cảm ơn em rất nhiều (BBT)

      Xóa
  16. Anh rất cảm ơn em. Không ngờ dân Toán lại bình thơ hay thế. Kiểu này anh phải bỏ nghề mất thôi. He...he

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.