7 tháng 8, 2013

NHỮNG DÒNG VẨN VƠ CỦA HẢI YẾN

Thời gian vừa rồi Hải Yến có một đợt đi công tác. Các đoàn của các Sở Giáo dục theo triệu tập của Bộ, tập huấn về công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh trung học. Những người dự lớp tập huấn này sẽ là những báo cáo viên cấp tỉnh để về triển khai tại các Sở giáo dục của tỉnh mình. Rồi đoàn của HY còn đến một số nơi nữa như nhà tưởng niệm Nguyễn Du, ngã ba Đồng Lộc … Hải Yến có ghi chép được một số điều. Có những điều vui, có những điều thật sự làm xúc động lòng người. HY muốn gửi lên blog E để trải lòng mình, chia sẻ cùng mọi người. (Hải Yến)

 TRÍCH NHẬT KÝ ĐỂ NGỎ NƠI SÓNG TRÀO
  
  Buổi học chiều ngày thứ hai của lớp Sen Hồng.
  Đầu giờ. Giao lưu cùng báo cáo viên. Thầy vẫn giọng trầm ấm, mượt mà, mê hoặc. Năm sáu học viên được mời lên giao lưu với thầy, cùng nói một lời ngợi ca, một cảm xúc ngưỡng mộ thầy. Thầy càng say sưa “chém gió”:
- Khi tôi và các thầy cô đến đây, chúng ta là “những người độc thân vui vẻ”. Chúng ta có quyền quên đi những bận rộn thường ngày. Chúng ta có quyền “say”: Say nắng, say gió, say sóng, say …n thứ nữa. Chúng ta có quyền cháy hết mình cho năm ngày học cùng nhau. Để rồi, khi chúng ta bước lên ô tô ra về, chúng ta có thể sẽ lại quên đi tất cả! Và tôi, vẫn bị coi là kẻ mang tội là gieo rắc nhớ thương cho rất nhiều phụ nữ …
  Cả lớp Sen Hồng của tôi vỗ tay như sấm. Không ít những đôi mắt đầu ba, đầu bốn đắm đuối mê say. Còn tôi, chỉ liếc “anh thầy” một thoáng, cười mỉm và nhìn ra chỗ khác. Hình như không chịu được cái nhìn “phớt lờ” của tôi, “anh thầy” tiến lại gần và đưa MIC cho tôi:
- Xin mời cô giáo giao lưu, chia sẻ. Cô có điều gì muốn phỏng vấn báo cáo viên hay không?
  À, mình đã “phớt”, lại còn cố tình … Tôi đứng lên cầm MIC:
- Thưa thầy, thưa các bạn học viên lớp mình. Câu hỏi giao lưu của em sẽ không êm ái như nhiều lời thầy đã nghe đâu. Thầy sẽ không phật ý chứ ạ?
 Lại là giọng nói mê hoặc:
- Rất sẵn lòng, thưa cô giáo!
  Tôi nhìn khắp lớp một lượt rồi mới quay lại nhìn thẳng vào đôi mắt mỗi khi say sưa lại  lim dim xúc cảm của “anh thầy”:
- Vâng, thầy cho em hỏi hai điều thôi ạ!
 Thứ nhất: Từ hôm qua đến giờ, lớp mình được thầy cô nói về những rối loạn tâm lý của học sinh trung học và những biện pháp hỗ trợ tâm lý, trong đó có bệnh nghiện Internet. Em là học viên, là một người tư vấn tâm lý cho học sinh trong nay mai. Nhưng em tự thấy mình cũng mắc bệnh nghiện Internet. Thầy có thể có biện pháp hỗ trợ tâm lý để em thoát khỏi căn bệnh này không ạ?
 Thứ hai: Mấy ngày nay, trưa và tối, thầy đều nhìn thấy em ngồi ôm máy tính ở cầu thang tầng 4, vì trong phòng không bắt được wifi. Nhưng sao hôm qua thầy chỉ nhìn em thôi. Còn trưa nay, thầy lại cười với em. Nụ cười đó có ý nghĩa gì, thưa thầy?
  Cả lớp Sen Hồng lại vỗ tay như sấm trước lời giao lưu bất ngờ của tôi. “Anh thầy” lúng túng một cách rõ ràng. Nhưng bản lĩnh của một “nhà tâm lý” khiến thầy lấy lại phong độ rất nhanh. Giọng trầm ấm lại cất lên một cách mê hoặc:
- Tôi xin được trả lời câu hỏi thứ hai trước. Hôm qua tôi chỉ nhìn bạn thôi, vì tôi chưa nhớ ra bạn. Còn trưa nay, tôi cười với bạn vì tôi đã nhận ra bạn là học viên lớp Sen Hồng của tôi. Nụ cười ấy đơn giản chỉ là thay lời chào mà thôi!
  Còn bệnh nghiện Internet, tự bạn sẽ phải thấy người ta nhìn mình thế nào, người ta nghĩ gì về mình, người ta đánh giá mình ra sao nếu bạn cứ suốt ngày ôm máy tính ngồi ở cầu thang …
  Tôi cười nhẹ:
- Thưa thầy, biện pháp hỗ trợ tâm lý của thầy không thuyết phục. Thầy có cười với em thêm n lần nữa, thì trưa và tối nào, em cũng vẫn sẽ ngồi ôm máy tính ở cầu thang lướt web mà thôi. Nói gì đến việc thầy nghĩ gì, đánh giá như thế nào về em, em sẽ không quan tâm đâu ạ. Còn học sinh trung học nghiện Internet, thậm chí nó còn không nhìn thầy như em đã từng nhìn thấy thầy cơ ạ. Ca tư vấn của thầy thất bại hoàn toàn, nếu em là học sinh trung học. Em mong ở thầy một liệu pháp khác và sẽ gặp riêng thầy để hỏi sau, không làm mất thời gian của cả lớp nữa ạ …
  Lúc này thì tôi thấy nhà tâm lý của tôi thực sự bối rối. Sau những tràng vỗ tay không biết là cổ vũ tôi hay động viên thầy, thầy vào bài giảng. Thực lòng mà nói, tôi cũng thấy mình “hơi quá” với “anh thầy”. Nhưng cũng bởi thầy tự tin quá! Thầy sẽ gieo rắc nhớ thương cho những chị, những em nào? Có thể cả những em trẻ xinh hơn tôi sẽ bị “say sóng” nơi thầy. Còn với tôi, nụ cười của thầy đúng là đơn giản thay một lời chào. Tôi nhớ là, tôi nhìn thấy thầy cười xong, tôi lại cúi xuống máy tính ngay, vội quá, quên cả cười đáp lễ. Có bắt được “sóng” đâu mà “say”. Cũng tại tôi đã “say” một loại “sóng” khác rồi nên chẳng bao giờ “say sóng” nào được nữa. Bởi vậy, với loại phụ nữ đã “miễn dịch” như tôi, thầy đừng tự tin quá như thế chứ?
  Buối tối.
  Giao lưu ba tỉnh của lớp Sen Hồng trong một nhà hàng bên bờ biển. Cậu lớp trưởng người Hòa Bình cứ nhất định bắt tôi phải ngồi “chiếu tướng” thầy. “Để thầy hỗ trợ tâm lý cho chị”, cậu ta bảo thế. Sau vài lời chuyện trò, thầy nhận thầy lớn hơn tôi bốn tuổi. Ô, thế mà là nhà tâm lý ư? Ai lại đi hỏi tuổi phụ nữ bao giờ! Khi uống rượu giao lưu, thầy muốn cùng tôi vòng tay mà uống. Thầy thì thầm bên tai tôi: “Huy đi từ miền Nam ra đến bờ biển này là lớp thứ năm, chưa gặp một cô học viên nào ấn tượng như em”. Tôi mỉm cười trong bóng tối bờ vai thầy, thầm nghĩ: Giờ này, không sóng, không nắng và rất ít gió, sao thầy đã “say” mà xưng tên với tôi như vậy? Thầy say rượu ư? Chén này mới là chén thứ ba thôi mà …
  Đêm.
  Cả lớp đi hát về mệt nhoài. Khuya lắm rồi. Nhưng không thể không đọc một lúc và viết mấy dòng. Có nhiều bước chân lên cầu thang. Mấy cậu em cùng đoàn cằn nhằn: Bà chị, nghiện vừa thôi chứ? Kệ tao. Tôi đáp và lại lướt. Bỗng tôi có cảm giác như có người đang nhìn mình. Tôi ngẩng lên: “Anh thầy” đang đứng trước mặt. Rồi không nói không rằng, thầy ngồi ngay xuống bậc cầu thang cạnh tôi. Vẫn giọng nói mượt mà đầy mê hoặc:
- Tôi sẽ ngồi đây cùng em xem em lướt web. Để xem có gì hay đến mức em phải nghiện như thế không?
  Tôi nhìn thầy ngờ vực:
- Đây là một liệu pháp tâm lý mới của thầy để hỗ trợ em ư?
  Thầy gật đầu:
- Cứ cho là như vậy đi!
  Tôi xoay màn hình máy tính về phía thầy không nhìn thấy được:
- Thưa thầy, vì em viết ở trang cá nhân, nên nếu thầy ngồi đây, thì em sẽ không viết đâu ạ. Thầy ngồi đây 10 phút, em sẽ không viết 10 phút. Thầy ngồi một giờ, em sẽ không viết một giờ. Thầy ngồi cả đời, em sẽ không viết cả đời … Nhưng thầy sẽ không đủ nghị lực để ngồi đây với em cả đời đâu ạ. Vậy nên, thầy về phòng đi ạ, khuya rồi.
  Nhà tâm lý của tôi không nói thêm được lời nào. Thầy ngồi tần ngần một lát, rồi thầy đứng lên:
- Em không cho ngồi cùng thì tôi về vậy.
  Bước thầy đi không tự tin như lúc trên lớp Sen Hồng. Hình như có những đợt sóng xô vào những bước chân mỗi lúc một xa dần. Còn lòng tôi, cũng đang cồn lên từng đợt sóng trào. Đứng trước biển, càng thấy lòng mình sóng trào dâng lớp lớp.  (Hải Yến)


12 nhận xét:

  1. Nặc danh17:59 7/8/13

    Rất nhiều "sóng"

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh18:37 7/8/13

    Cô học viên này "hỗn" quá!

    Trả lờiXóa
  3. Theo những dòng "vớ vẩn" này, tôi thấy ông thầy thì rõ là "say sóng" rồi, còn HY cũng không hẳn đâu (chẳng thế mà có những dòng tản văn này)

    Trả lờiXóa
  4. Xin đính chính "vẩn vơ" chứ không phải "vớ vẩn".

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh22:51 7/8/13

    Các anh BBT ơi, bức ảnh minh họa tối quá, em không nhìn rõ ra cảnh gì, người gì?
    (HY)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là hình ảnh ngưởi phụ nữ đứng trước biển đêm "Biển cồn cào và lòng em sóng trào dâng lớp lớp". Em không nhìn rõ cảnh gì cũng phải, vì những suy nghĩ vẩn vơ của em cũng mơ hồ như thế. (BBT)

      Xóa
    2. Nặc danh11:04 8/8/13

      Không ạ, dù trong lòng em, đúng là "sóng trào dâng lớp lớp" nhưng rất rõ ràng. Ảnh em đứng trước biển cũng rõ từng đường nét, không giống trong ảnh BBT đăng lên minh hoạ đâu ạ. Eo, em thấy cảnh đó rờn rợn, như trong Liêu trai ấy!
      (HY)

      Xóa
    3. Những cái gì đã viết nên thành văn thì không thể rõ ràng được, vì rõ ràng quá sẽ thành chụp ảnh, sao chép, thành chân dung. Môt bài văn viết ra dù dưới hình thức nào cũng để cho những người khác cảm nhận về nỗi lòng tác giả và mỗi người đọc cảm nhận theo cách của riêng họ. Vì thế, có rất nhiều cách suy đoán, cách nhìn nhận về một điều HY đã viết. Nếu em muốn mọi người nhìn thấy em rõ ràng từng đường nét thì em hãy gửi ảnh của mình đến để BBT đăng lên nhé.

      Xóa
    4. Nặc danh18:40 8/8/13

      Anh E 13:56 đánh đố em ư? Em vẫn không muốn "ăn đòn" của chồng em đâu. Thôi, các anh BBT minh họa theo cách của các anh, thế nào cũng được ạ.
      (HY)

      Xóa
  6. Nặc danh16:51 11/8/13

    Một chút vẩn vơ này đủ thấy nhiều điều về con người HY: đằm thắm, mượt mà trong tản văn nhưng sâu sắc, cứng cỏi trong đối đáp. Những ai muốn gặp gỡ, trò chuyện với HY nhớ phải có sự phòng bị chu đáo kẻo lại rơi vào mê hồn trận giống "anh thầy" kia là nguy....

    Trả lờiXóa
  7. Hơn tuần, nay tôi mới vào blog (phần vì bận việc, phần vì đường truyền Internet ở đây quá kém) đọc được nhiều tin hay và hấp dẫn. Trong đó bài tản văn của HY đã làm tôi ấn tượng nhất. Tôi đoán HY là người HY, có cá tính, tự tin... nhưng hơi nhát (vì thấy hay sợ "ăn đòn").Mong HY hãy đăng ký học lớp viết văn ND khóa sau và thường xuyên đăng bài trên blogE. Cảm ơn HY nhé! VĐT

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh13:29 12/8/13

      Không cần đoán đâu, anh VĐT ạ, đã có lần HY nói em ở Hưng Yên rồi mà, chắc anh đọc blog không thường xuyên nên không biết đấy thôi. Phụ nữ chúng em, có thể với người khác thì không nhát, nhưng với chồng mình, bao giờ chúng em cũng ... nên nhát. Nhưng em chỉ hơi "ngang ngạnh" một chút thôi, không đến mức người trò chuyện phải "phòng bị chu đáo" khi nói chuyện với em như bạn ND 16:51 nói đâu! Em rất vui khi mọi người nói chuyện với em.
      (Hải Yến)

      Xóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.