16 tháng 9, 2013

Bàn tý chút về dịch và bản dịch Tỳ bà hành

Nhân có bạn Trần Đông Phong giới thiệu cảnh thu (Trung Quốc) trong Tỳ bà hành, tôi xin góp mấy ý kiến, đây chỉ là ý kiến cá nhân, trao đổi. Nếu tìm trên mạng, các bạn có thể thấy rất nhiều bài về Tỳ bà hành, có nhiều bản dịch khác với bản Phan Huy Vịnh/ Phan Huy Thực, thậm chí có cả video ca trù hát Tỳ bà hành nữa... (NXH) 
1. Về bản dịch được coi là tài hoa nhất hiện đang lưu hành, nhiều tài liệu cho là của Phan Huy Vịnh, có thời cho là của Phan Huy Ích, ngày nay thì nhiều học giả lại cho là của Phan Huy Thực. Lý lẽ của các vị ấy không rõ thế nào, nhưng chỉ biết rằng Phan Huy Thực là con của Phan Huy Ích, còn Phan Huy Vịnh là con của Phan Huy Thực. Thôi thì của ông Phan Huy nào cũng là họ Phan Huy cả.
2. Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị thì làm theo thể loại “cổ phong”, đại khái như là thể thơ tự do, sau này thời Tống lại phá cách một lần nữa, nâng lên nghệ thuật gọi là “từ”. Còn bản dịch của họ Phan Huy thì thể song thất lục bát. Thể thơ song thất lục bát, được coi là thể thơ dân tộc, cũng như lục bát. Cho nên, dù cho bản dịch của họ Phan Huy có tài hoa và sát với bản gốc, tôi vẫn không thấy ưng. Trước kia, (và cả bây giờ) hầu như người đi học lẫn người dạy học đều ca tụng bản dịch này, cũng như bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, nhưng tôi thấy hình như các tác giả của Việt Nam sáng tạo lại thì đúng hơn.
3Có người cho rằng, bài thơ gốc đã có bản dịch ấy được cho là hay rồi, thì coi như đã “xong chuyện”. Cá nhân tôi cho rằng, vẫn cần dịch lại các tác phẩm cổ điển. Bởi vì thời nào thì có ngôn từ của thời đó. Những từ ngữ thời họ Phan Huy là ngôn từ quen thuộc, thì đến nay lại là không thể hiểu nổi, hoặc rất khó hiểu. Chả lẽ lại dịch lại bản dịch của các cụ mới hiểu nổi chăng. Đây là bài thơ dài, chỉ lấy 8 câu đầu để khảo sát, sẽ thấy vấn đề ngay.
Xét về nghĩa, 3 câu đầu của bản dịch tạm ổn:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu , lau lách đìu hiu
Người xuống ngựa, khách dừng chèo
Nói “tạm ổn” thôi, vì từ “đưa khách” ngày nay không giống như “tiễn khách”. Còn câu thứ 3, cho thấy người đi tiễn đi ngựa, còn khách thì đi thuyền, dừng chèo tức là đang hành tiến thì dừng, khác với câu nguyên tác “khách tại thuyền”, tức là chủ “há mã”, mới chỉ xuống ngựa, còn khách thì mới bước lên thuyền. Con thuyền ấy chắc hẳn là đang đậu ở bến, chả có “dừng chèo” gì cả.
Nói đến câu thứ tư “Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty” thì hoàn toàn u tờ mít. Có lẽ chỉ có các bạn thông thái, học văn học sử Trung Quốc mới hiểu nổi. “Chén quỳnh” là gì? “Chiều trúc ty” là gì? Nguyên tác “Cử tửu dục ẩm vô quản huyền”, nghĩa giải ra là “Nâng chén rượu định uống trong cảnh không có tiếng đàn sáo” mà dịch thành “Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ty” thì người xưa hiểu ngay, khoái lắm, song người ngày nay đố hiểu nổi.
Bốn câu sau nguyên tác là
“Túy bất thành hoan, thảm tương biệt
Biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt
Hốt văn thủy thượng tỳ bà thanh
Chủ nhân vong qui, khách bất phát”
Bản dịch họ Phan Huy:
“Say những luống ngại khi chia rẽ
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong
Đàn ai nghe vẳng bên sông
Chủ khuây khỏa lại, khách dùng dằng xuôi”
Thì lại được 3 câu sau, còn câu đầu thì hơi gượng ép.
Câu “biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt” dịch thành “Nước mênh mông đượm vẻ gương trong” thì hay lắm. “Chủ nhân vong quy, khách bất phát” mà thành “Chủ khuây khỏa lại, khách dùng dằng xuôi” thì cũng chỉ được thôi.
Nói lại về câu thứ 5 “Túy bất thành hoan, thảm tương biệt” mà thành “Say những luống ngại khi chia rẽ” thì gò gẫm, bây giờ khó mà hiểu ngay được, nếu không phải … dịch lại một lần nữa. Say không thành cuộc vui, mà buồn ly biệt lại đến rồi. Như thế cơ. Chữ “ngại” trong bản dịch nhẹ quá, và nghĩa hơi khác quá. Dĩ nhiên là với người bây giờ nhé, chứ không kể thời các ông Phan Huy…
44.  Liều dịch lại 8 câu đầu như sau:
Nguyên tác:
“Tầm dương giang đầu dạ tống khách
Phong diệp dịch hoa thu sắt sắt
Chủ nhân há mã khách tại thuyền
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền
Túy bất thành hoan, thảm tương biệt
Biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt
Hốt văn thủy thượng tỳ bà thanh
Chủ nhân vong qui, khách bất phát…”
Thực ra, cái âm hưởng Hán Việt khi đọc lên, cứ trúc trắc như là bước chân ngập ngừng của những kẻ tiễn nhau. Có những chỗ ngang phè. Dịch ra trơn tru quá, e rằng chẳng phải tinh thần nguyên tác chăng.
Tôi thử dịch lại theo quan niệm của tôi:
“Tầm Dương bến đêm khuya tiễn khách
Hoa lá lạnh hơi thu se sắt
Chủ nhân xuống ngựa khách lên thuyền
Muốn uống từ giã, uống chẳng đành
Vui đâu say, giờ buồn ly biệt
Sông mênh mông trăng lồng nước biếc
Tiếng tỳ bà xa bỗng vang lên
Chủ không về nổi, khách dùng dắng…”
55. Theo tôi, trong bản dịch Tỳ bà hành, họ Phan Huy dịch rất tài những chỗ tả cảnh, ngoại cảnh, còn những đoạn nội tâm thì rất dở. Hãy thử lấy ví dụ 8 câu đầu cũng thấy điều đó.
66. Việc dịch thơ cổ Trung Hoa ra thể song thất lục bát có thể liên quan đến tập quán hát nói, ngâm thơ trước đây. Ca trù là sinh hoạt văn hóa của tầng lớp trung lưu, thường dùng ca từ do các nhà Nho đặt ra. Và, thơ cổ Trung Hoa là một trong những “nguồn” mà các nhà thơ khai thác, đặt lời. Có lẽ, các nhà Nho Việt Nam dịch thơ cổ Trung Quốc không phải là dịch để xuất bản, nhằm vào độc giả đọc thơ, mà thực ra nhằm vào “thị trường” hát nói, cho các nghệ nhân ca trù hát. Cho nên, họ đã dịch ra thể song thất lục bát, một thể thơ dân tộc, tiện cho hát ca trù… Do vậy, các nhà thơ thời đại ngày nay không việc gì phải sợ khi dịch lại thơ cổ Trung Hoa…


6 nhận xét:

  1. Nặc danh23:10 16/9/13

    Người xưa dịch hay, thành công, người đời nay vẫn tiếp tục dịch lại, càng tốt. Chúng ta vẫn hàng ngày chứng minh lại định lý Pitago,Tales đấy thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh23:17 16/9/13

    Trong Mục Xa chồng hay Anh khóc trong tim em đã có tổng kết là có 7 bản dịch bài thơ của Paul Verlaine cơ mà. Tôi nghĩ rằng Bạch Cư Dị, Paule Verlaine dưới suối vàng chắc sẽ rất khoái khi thấy trăm, nghìn năm sau, ở nước khác vẫn có người bàn về thơ mình. Đó là một thành công của thi sỹ.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh23:41 16/9/13

    Thời gian ở Quế Lâm tôi vẫn thường đàm đạo với các nhân sỹ Trung Quốc về thơ Đường. Riêng đối với Tỳ Bà Hành mà nói, người Trung Quốc rất kính trọng ai thuộc lòng và hiểu được cặn kẽ nghĩa của từng câu. Ví dụ những câu như: Khinh long man nhiên mạt phục khiêu, Khúc trung đương thu bát đương tâm hoạch, ngân bình sạ phá thủy tương bính..., còn vài câu nữa. Nói chung người TQ có trình độ đại hoc cũng hiểu lơ mơ thôi. Họ phải làm một bản giải thích bằng những từ bình thường như là mình dịch nghĩa tiếng Việt. Các chương trình hội diễn văn nghệ mà có trình bày đọc Tỳ Bà hành luôn được đánh giá cao. Ở trường tôi năm đó, người ta nói mấy năm nay rồi ko có tiết mục Tỳ Bà hành, có người đăng ký rồi, đến phút cuối lại thôi, vì thiếu tự tin. Câu cú trúc trắc, nếu ko hiểu thực chắc, mà chỉ thuộc vẹt rất hay quên.

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh23:45 16/9/13

    Thì người Việt mình mấy ai hiểu hết Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm bản dịch nôm của Đoàn Thị Điểm.... Nếu có thằng Tây nào đọc vài câu Kiều là đã cho là ghê lắm rồi.

    Trả lờiXóa
  5. em chào thầy Phong, hỳ hỳ,

    Trả lờiXóa
  6. Nặc danh21:24 19/9/13

    À cháu cô Hương?

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.